KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 28/06/2021 - Lượt xem: 114
Gia đình là cội nguồn của hạnh phúc

Hạt nhân gia đình chính là nơi hình thành, bồi dưỡng, giáo dục phẩm cách con người, cũng là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, nhân văn của quốc gia, dân tộc. 

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, các hệ giá trị tốt đẹp như, tình yêu thương, thủy chung, hiếu nghĩa, đức hy sinh, sự sẻ chia, mình vì mọi người - mọi người vì minh luôn được phát huy và gìn giữ trong các gia đình Việt Nam. Đây là nhân tố quan trọng để dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Chú trọng vai trò của gia đình, đặc biệt là hệ giá trị của gia đình

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. 

Trước đó, Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Nghị quyết 33 nêu rõ: “Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người”. 

Nghị quyết 33 cũng xác định xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, đặc biệt là hệ giá trị của gia đình. Có thể nói, xây dựng gia đình hạnh phúc, hạt nhân, tế bào của xã hội hạnh phúc là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng xã hội Việt Nam thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc trên nền tảng thiết chế gia đình bền vững gặp không ít thách thức trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Trong nhiều năm qua, một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh đẻ, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của chức năng gia đình.

Sự khủng hoảng này có mối tương liên chặt chẽ với các vấn đề xã hội, đặc biệt là tệ nạn xã hội, hành vi lệch chuẩn, sự xuống cấp về đạo đức, chuẩn mực ứng xử, sự đứt gãy về giá trị xã hội và văn hóa truyền thống.

Mặt khác, gia đình Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta chuyển đổi nhanh, phức tạp. Những vấn đề chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới,… xuất hiện ngày càng nhiều và thái độ của xã hội về chúng hết sức đa dạng.

Khoảng cách về thu nhập, chi tiêu giữa các hộ gia đình ở thành thị và nông thôn ngày càng chênh lệch, thậm chí chênh lệch này diễn ra khá gay gắt ở trong lòng các đô thị lớn. Sự phân hóa gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên bình diện mức sống, chi tiêu mà còn ở các chiều cạnh văn hóa, xã hội khác như hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống.

Do vậy, cần có những giải pháp toàn diện về gia đình. Một mặt, bảo đảm gia đình thực hiện tốt các chức năng, làm nền tảng ổn định cho sự phát triển của đất nước. Mặt khác, cần giảm thiểu sự khác biệt về thu nhập, mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng như cơ hội phát triển giữa các gia đình. Gia đình là khởi điểm và đích đến của các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. 

Trong giai đoạn tới, gia đình vẫn là thiết chế xã hội nằm ở vị trí trung tâm trong đời sống của người dân Việt Nam. Gia đình tiếp tục giữ vai trò là môi trường xã hội hóa đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi người. Đó cũng là giá đỡ an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống. 

Gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống

Nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2019 cho cho thấy, người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đình [1] là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị. 

Phần lớn người được hỏi cũng khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân. Theo họ, thanh niên đến tuổi trưởng thành thì cần lập gia đình, bất chấp những cảnh báo về sự lung lay của định chế hôn nhân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong số các giá trị bảo đảm sự bền vững của gia đình, sự chung thủy vẫn được người dân coi trọng nhất, tiếp đó là tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp tình dục, có thu nhập và sống riêng. Con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân song người Việt hiện không mong muốn có nhiều con. Việc ưa thích sinh con trai cũng giảm dần so với trước đây. 

Nói cách khác, giá trị con cái chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích người nối dõi), an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nhân lực lao động) sang giá trị tâm lý - tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).

Nghiên cứu trên cũng gợi ý rằng trong rất nhiều mong muốn của mỗi người, có lẽ xây dựng gia đình hạnh phúc là mục tiêu quan trọng nhất. Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng tiếp theo: “Với người Việt Nam hiện nay, thế nào là gia đình hạnh phúc?”.

Năm 2018-2019, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiến hành đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay”. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy, yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện bảo đảm để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu, thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình.

Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng, khi con người còn khó khăn về kinh tế thì việc có cơm ăn no bụng và có áo mặc ấm là hạnh phúc Nhưng khi con người đã nỗ lực để có được cơm no và áo ấm, thì “hạnh phúc không chỉ là có cơm ăn và áo mặc”. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa - tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 là “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc”. Trong bối cảnh Việt Nam và toàn thế giới đang chung tay phòng chống đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của gia đình. 

Gia đình chính là thành trì vững trãi, là nơi ấm êm, an toàn cho biết bao con người cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Gia đình cũng chính là điểm chốt, là đích đến của các chính sách, sách lược, biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả ở Việt Nam. Nói cách khác, gia đình an toàn tạo nên xã hội an toàn, tạo nên sự gắn kết, bảo đảm cho dòng chảy phát triển, cho khát vọng thịnh vượng, hùng cường của đất nước.

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn  xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” 

(Hồ Chí Minh toàn tập, 2011)

-------------
[1] Gia đình trong nghiên cứu này được hiểu là mô hình gia đình truyền thống được xây dựng trên cơ sở hôn nhân

Nguồn: nhandan.com.vn

Tin liên quan