LTS: Ngày 27/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị văn hóa tỉnh Hưng Yên tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh và kết nối trực tuyến 10 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố. Hội nghị có sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân, những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh… Với mục tiêu đánh giá toàn diện có chiều sâu giá trị văn hóa của vùng đất Hưng Yên văn hiến và cách mạng, từ đó tiếp tục có giải pháp bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế, xã hội, hội nghị nhận được 35 tham luận của các nhà khoa học, nhà sử học, nhà quản lý văn hoá, các ngành, địa phương. Báo Hưng Yên trích đăng giới thiệu với bạn đọc một số tham luận tại hội nghị.
Bài 1: MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, XÂY DỰNG CON NGƯỜI HƯNG YÊN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
1. Hưng Yên trong dòng chảy văn hóa dân tộc
Trong tâm thức văn hóa dân gian, sự phồn thịnh của Hưng Yên được so sánh với kinh đô Thăng Long “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Đây là mảnh đất nhân khang, vật thịnh, tập trung nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc . Cho đến ngày hôm nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, trên mảnh đất Hưng Yên vẫn lưu dấu nhiều cổ tích. Đó là hệ thống đình, đền, chùa độc đáo như Khu di tích phố Hiến, chùa Nôm, chùa Chuông,... Đó là những lễ hội, những phong tục tập quán tốt đẹp, những làn điệu dân ca sâu lắng trữ tình, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cư dân trên mảnh đất này.
Hưng Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt. Những người con ưu tú của Hưng Yên không chỉ làm rạng danh quê nhà mà còn làm rạng danh đất nước. Lịch sử dân tộc còn ghi lại công lao của những người con quê hương Hưng Yên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình... Hưng Yên không chỉ có nhiều võ tướng mà trí tuệ người Hưng Yên tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực y dược có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – người được tôn vinh là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam; trong lĩnh vực văn chương có Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông; trong lĩnh vực mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, ...
Truyền thống quê hương đã hun đúc, sản sinh ra những nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc như Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh,… Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhiều người con của Hưng Yên đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không quản hiểm nguy, lao lung, tù đầy, sẵn sàng hy sinh cho quê hương, đất nước.
Hưng Yên là mảnh đất trăm nghề và giàu truyền thống khoa bảng, hiếu học. Hiện tại ở Hưng Yên có 45 làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân Tỉnh công nhận . Những sản phẩm của các làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, chạm bạc Huệ Lai, hương xạ Cao Thôn, long nhãn Hồng Nam, tương Bần, … đã trở nên quen thuộc với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sự phong phú của các làng nghề đã phản ánh tinh thần cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động của người Hưng Yên. Không chỉ là mảnh đất trăm nghề, Hưng Yên còn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, hiếu học. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, Hưng Yên có 214 người đỗ đại khoa . Văn Miếu Xích Đằng là một biểu tượng cho truyền thống khoa bảng, hiếu học của trấn Sơn Nam thượng xưa, trong đó có Hưng Yên.
Nói đến văn hóa và nói đến con người. Sự hiện diện của các di sản văn hóa, của những truyền thống quý báu trong lao động sản xuất, chiến đấu, học tập,… đã phản ánh trí tuệ, tâm hồn, bản lĩnh của người Hưng Yên trong suốt chiều dài lịch sử. Yêu nước, nhân văn, cần cù, sáng tạo, hiếu học, tài hoa, giàu năng lực tiếp biến, …là những phẩm chất nổi bật của người Hưng Yên, đóng góp cho sự phát triển của quê hương và đất nước.
Khái lược về văn hóa, con người Hưng Yên từ truyền thống đến hiện đại để thấy rằng Hưng Yên đang sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa, nguồn vốn văn hóa, nguồn lực nội sinh giàu có. Vấn đề đặt ra là Hưng Yên sẽ khai thác, phát huy nguồn tài nguyên, nguồn vốn, nguồn lực nội sinh này như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
2. Bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, con người Hưng Yên
Tình hình thế giới đang có những biến đổi nhanh, phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của khoa học công nghệ và các phương tiện truyền thông mới, xung đột giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, … đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung của đất nước cũng như của từng địa phương, trong đó có Hưng Yên.
Sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, … cũng là những bối cảnh trong nước quan trọng tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Hưng Yên.
Như vậy, bối cảnh trong nước và quốc tế đang tác động mạnh đến sự phát triển của Hưng Yên nói chung, sự phát triển văn hóa, con người Hưng Yên nói riêng. Sự tác động này diễn ra theo cả chiều hướng thuận và nghịch, thời cơ cho phát triển văn hóa, con người Hưng Yên là rất lớn nhưng ngược lại, thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Hay nói cách khác, có nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa, con người Hưng Yên hiện nay. Có thể khái quát thành mấy điểm sau:
Một là, phát triển văn hóa, con người phải được đặt trong tổng thể phát triển bền vững của tỉnh Hưng Yên. Các kế hoạch phát triển văn hóa, con người phải gắn chặt với các kế hoạch phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Tỉnh và ngược lại; các kế hoạch phát triển các lĩnh vực khác của đời sống cũng phải tính đếm đến yếu tố văn hóa, con người cũng như kế hoạch phát triển văn hóa, con người Hưng Yên. Nếu không có sự đồng bộ, nhất quán từ việc hình thành chủ trương, xây dựng, ban hành và thực thi chính sách thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí các nguồn lực trong phát triển và tất sẽ dẫn đến không đạt được kết quả như mong muốn.
Hai là, xây dựng văn hóa phải luôn song hành với phát triển con người. Con người là chủ thể của văn hóa nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa, chịu sự qui định của những truyền thống, giá trị văn hóa. Giữa văn hóa và con người có mối quan hệ khăng khít, biện chứng. Chỉ có thể giải quyết được các vấn đề văn hóa một cách toàn diện nếu như chú trọng đến giải quyết vấn đề con người và ngược lại. Chính vì vậy, cần phải có tầm nhìn của các cấp lãnh đạo cũng như rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan trong phát triển văn hóa, con người.
Ba là, Hưng Yên sở hữu nguồn lực văn hóa, con người rất phong phú, quý báu. Đây là tiềm năng lớn của Hưng Yên trong phát triển. Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, để văn hóa, con người thành động lực, thành sức mạnh nội sinh quan trọng, đột phá của Hưng Yên, là lợi thế so sánh của Hưng Yên trong phát triển thì đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, sáng tạo.
Bốn là, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang biến đổi mạnh mẽ như hiện nay, hệ giá trị văn hóa và con người Hưng Yên cũng có sự thay đổi. Do đó, cần có sự nghiên cứu, xác định những giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Hưng Yên hiện nay trên cơ sở kế thừa, phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa, chuẩn mực con người truyền thống kết hợp với tiếp thu những giá trị, chuẩn mực mới của thời đại, đồng thời hình thành những giá trị, chuẩn mực mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Năm là, sự phát triển kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa luôn là mối đe dọa thường trực tới các di sản văn hóa, các truyền thống văn hóa. Nếu chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà không chăm lo cho phát triển văn hóa, con người thì nguy cơ mai một, biến dạng và thậm chí là biến mất của di sản văn hóa sẽ thành hiện thực. Khi đó, bản sắc văn hóa của địa phương sẽ bị phai nhạt. Và xét cho đến cùng, điều này cũng có nghĩa là suy giảm nguồn lực để phát triển bền vững.
3. Một số giải pháp phát triển văn hóa, con người Hưng Yên
Để phát triển văn hóa, con người Hưng Yên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh với những mục tiêu, lộ trình phát triển đã được xác định, thiết nghĩ, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của người dân về vị trí, vai trò của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Mặc dù nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của toàn xã hội trong những năm gần đây về vai trò của văn hóa, con người đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực nhưng mức độ nhận thức còn chưa đồng đều. Nhận thức đúng là tiền đề để có hành động đúng. Và cũng cần đổi mới công tác tuyên tuyền theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các phương tiện tuyên truyền. Ngoài đối tượng cán bộ, đảng viên, cần quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ Hưng Yên về các truyền thống văn hóa, con người của địa phương. Nội dung và hình thức giáo dục địa phương trong nhà trường cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sao cho phù hợp với từng cấp học, sinh động, thiết thực, hấp dẫn người học.
Thứ hai, cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thành những Nghị quyết, những chính sách, những kế hoạch hành động cụ thể. Trong thời kỳ đổi mới, có thể nói, Đảng đã quan tâm đến việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Điều này thể hiện rõ trong hệ thống các Văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng còn chưa kịp thời. Vì vậy, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến văn hóa, con người chưa đồng bộ, chưa theo kịp với sự vận động của thực tiễn. Do vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách, các chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để phát triển văn hóa, con người Hưng Yên dựa trên các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, ... của tỉnh.
Thứ ba, huy động, bố trí nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp văn hóa. Ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung hiện nay còn eo hẹp. Do vậy, cần có sự điều chỉnh, phân bổ ngân sách hợp lý hơn cho phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa để huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia phát triển văn hóa. Kinh nghiệm cho thấy, để phát triển văn hóa cần phải có sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, bên cạnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, cũng nên khuyến khích, động viên tầng lớp doanh nhân tham gia phát triển văn hóa.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý, hoạt động văn hóa và cả các nghệ nhân sáng tạo, thực hành di sản văn hóa. Một mặt, phải chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hiệu quả cán bộ văn hóa nhưng mặt khác, cũng cần phải có chính sách thu hút, đãi ngộ tương xứng. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa là một đòi hỏi cấp thiết và lâu dài. Có nguồn nhân lực tốt mới có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Thứ năm, Hưng Yên cần có sự kiểm kê, đánh giá đúng thực trạng hệ thống di sản văn hóa mà mình đang sở hữu. Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa đã được xếp hạng, cũng cần có sự quan tâm nhanh chóng, kịp thời và thỏa đáng tới các di sản khác. Thực tế cho thấy ở một số địa phương hiện nay nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một. Di sản, bản thân nó đã luôn phải đương đầu với những thử thách nghiệt ngã của thời gian. Chính vì thế, nó cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước khủng hoảng do thiên tai và nhân tai gây ra. Và một điều rất đáng quan ngại là những tổn thương về phương diện kinh tế nếu có xảy ra thì vẫn có thể hồi phục nhưng những tổn thương về phương diện văn hóa, cụ thể là di sản rất khó phục hồi. Chính vì thế, di sản được coi là loại tài sản có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ nhưng không thể tái sinh, không thể phục hồi khi đã bị mai một. Nếu không quan tâm kịp thời đến công tác bảo tồn, di sản văn hóa sẽ bị hủy hoại. Vì vậy, để biến di sản văn hóa thành tài sản và nguồn lực trực tiếp cho phát triển, cần xây dựng các kế hoạch dài hạn và trước mắt để bảo tồn, tôn tạo hệ thống di sản văn hóa. Phải xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Lãnh đạo địa phương cần quan tâm bố trí ngân sách thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa nói chung, cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng. Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa vừa góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, làm nên sức hấp dẫn - sức mạnh mềm văn hóa của các địa phương.
Thứ sáu, chú trọng phát triển du lịch dựa trên khai thác các tài nguyên văn hóa. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch mang lại những trải nghiệm hết sức sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu cho các địa phương, cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ này, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi sinh kế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tái đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa mà nó còn góp phần rất quan trọng trong xây dựng tình cảm, niềm tin đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng hình ảnh những điểm đến giàu bản sắc, thân thiện, hấp dẫn và an toàn. Ngoài việc quan tâm đến việc xây dựng các tour, tuyến, điểm đến trong Tỉnh, Hưng Yên cũng cần chú ý đến sự kết nối vùng trong phát triển văn hóa, du lịch.
Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển văn hóa, con người là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Ứng dụng công nghệ có thể góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với các sản phẩm và hoạt động văn hóa, nhất là đối với các di sản văn hóa. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản góp phần tạo lập các bằng chứng khoa học về di sản, là căn cứ để hình thành các bảo tàng ảo hoặc đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là cách để kết nối du khách với di sản; tạo điều kiện lan tỏa nhanh, rộng các giá trị văn hóa truyền thống đến với đông đảo người dân và bạn bè quốc tế.
Thứ tám, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Môi trường văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Một môi trường văn hóa lành mạnh không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, cần tiếp tục tổ chức tốt các nguồn lực để phát triển cả chiều rộng và bề sâu của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Quy chế văn hóa công sở, Đề án văn hóa công vụ, xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, … Trong bối cảnh chuyển đổi số, Hưng Yên cũng nên quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa số.
Thứ chín, trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người, cần chú ý đến mối quan hệ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát huy. Bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa, những chuẩn mực, phẩm chất con người Hưng Yên là hết sức cần thiết. Nhưng giá trị văn hóa, con người cũng là sản phẩm của thời đại, chịu sự quy định của các điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, chính vì vậy, nó cũng có sự biến đổi nhất định theo thời gian. Do đó, bên cạnh việc gìn giữ những giá trị truyền thống, Hưng Yên cũng cần chú ý đến việc bồi đắp những giá trị mới đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Bên cạnh những kế hoạch bảo tồn bản sắc văn hóa, cũng cần phải tính đếm đến những kế hoạch hiện đại hóa văn hóa của tỉnh. Mà phát triển công nghiệp văn hóa cũng có thể xem là một hướng đi/ hoặc một giải pháp phù hợp với Hưng Yên.
Thứ mười, kiên quyết đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị. Mặt trái của kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, của việc phát triển khoa học, kỹ thuật dẫn đến những tiêu cực nảy sinh trong đời sống văn hóa. Tình trạng chạy theo lợi nhuận để kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ văn hóa trái với quy định của pháp luật, sự du nhập của lối sống phương Tây, của các sản phẩm phản văn hóa, … đã ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến việc hình thành nhân cách của con người, đến môi trường văn hóa của cộng đồng. Do đó, các cơ quan chức năng của Hưng Yên cần quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tiêu cực và kiên quyết xử lý, loại bỏ các phản văn hóa, phản giá trị ra khỏi đời sống.
Nguồn: https://baohungyen.vn