Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Hưng Yên được coi là cửa ngõ, “phên giậu” phía đông của thủ đô Hà Nội, trấn giữ các con đường thủy và đường bộ từ các tỉnh duyên hải Bắc bộ về thủ đô. Với địa thế đặc biệt đó, Hưng Yên tự hào là vùng đất đóng góp nhiều danh nhân, nhà khoa bảng, nhà quân sự cho đất nước, tiêu biểu như Hương Thảo, Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Lê Hữu Trác, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Nghị, Dương Quảng Hàm, Tô Ngọc Vân, Cao Việt Bách, Tô Chấn, Tô Hiệu, Nguyễn Bình, Nguyễn Quyết, Nguyễn Văn Linh…
Hưng Yên cũng là tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những tình cảm đặc biệt; đó là, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm Hưng Yên đến 10 lần. Người còn dành thời gian viết 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20 lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho 67 cá nhân từ các cháu thiếu niên nhi đồng, chiến sĩ dân quân, bộ đội, giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập…
Tỉnh đội Dân quân Hưng Yên (nay là Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên) được thành lập vào ngày 01/4/1947. Tháng 4/1948, tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc, Bác đã căn dặn cán bộ tỉnh Hưng Yên: “Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”. Từ đó phòng trào kháng chiến chống Pháp của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, nhân dân Hưng Yên nhiều lần được Bác nhắc đến trong các bài viết về gương kháng chiến, nổi bật là chị Bùi Thị Cúc, nam nữ dân quân du kích đường số 5. Nhiều tập thể và cá nhân của Hưng Yên có thành tích chiến đấu xuất sắc được Bác trực tiếp gặp, động viên khen thưởng hoặc gửi tặng Huy hiệu...
Tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục và lời cổ vũ thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng, rèn luyện lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên trong suốt 71 năm. Nhắc đến LLVT Hưng Yên là nhắc đến tinh thần quả cảm, đoàn kết, sáng tạo, chủ động, mưu trí, anh dũng của những con người đã làm nên nhiều chiến công, trận đánh nổi tiếng, tiêu biểu như Trận đánh đồn Bần ngày 12/3/1945 - trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ”; du kích Hoàng Ngân; các làng kháng chiến kiểu mẫu; các trận đánh “mật tập”, “nở hoa trong lòng địch” của một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc bộ trong kháng chiến chống Pháp, được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”; phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay súng, tay búa”, “Tay cày, tay súng”, “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, “3 sẵn sàng”, “5 xung phong” trong kháng chiến chống Mỹ; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhắc đến LLVT Hưng Yên là nhắc đến những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Nguyễn Quyết, Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và đến nay Hưng Yên có trên 200 tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân.
Tự hào về truyền thống quê hương Hưng Yên địa linh, nhân kiệt, về truyền thống lực lượng vũ trang “Đoàn kết - Chủ động - Sáng tạo - Kiên cường - Chiến thắng”, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không ngừng quan tâm, chăm lo, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung, thế hệ trẻ lực lượng vũ trang nói riêng.
Bước sang thời kỳ đổi mới, nhất là từ sau khi tái lập tỉnh (tháng 1/1997), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiếp tục chú trọng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, truyền thống cách mạng của quê hương. Đảng bộ tỉnh không chỉ thường xuyên ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp, các ngành cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể thực hiện công tác giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ; đồng thời chú trọng sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, từ đó đề xuất với Trung ương đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên, dẫn dắt thanh niên vượt qua khó khăn, thách thức, kiên định đi theo con đường cách mạng của Đảng.
Là lực lượng nòng cốt, tương lai của lực lượng vũ trang tỉnh nhà, nên công tác chăm lo, giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ lực lượng vũ trang càng được quan tâm đặc biệt với nhiều hình thức đa đạng, phong phú: triển khai nghiêm túc công tác học tập chỉ thị, nghị quyết; bồi dưỡng lý luận chính trị; nói chuyện truyền thống; hội thảo khoa học (tiêu biểu như các hội thảo khoa học về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Trung tướng Nguyễn Bình, về di tích Cây đa và Đền thờ La Tiến, về các tướng lĩnh người Hưng Yên…); tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giao lưu với nhân chứng lịch sử (Tiêu biểu như tọa đàm “Đảng bộ Hưng Yên – 75 năm thành lập và phát triển”, giao lưu “Lực lượng vũ trang Hưng Yên – Dấu ấn 70 năm”, chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời thề La Tiến”…); sơ kết, tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, bản tin, thông tin, pano, ap phích, sách, băng đĩa, báo, phim, ảnh (Tiêu biểu như sách “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp” (xuất bản năm 2002, tái bản lần 1 năm 2018); sách “Lịch sử Đảng bộ Quân sự”; sách “Lịch sử LLVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1947 – 2017); sách “Những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2011 – 2015”; sách “Vang mãi khúc quân hành” (tập 1, 2); sách “Tướng lĩnh Hưng Yên thời đại Hồ Chí Minh” (1945 – 2016); Đĩa hát Karaokê “Hành khúc LLVT Hưng Yên”; đĩa phim truyền thống 70 năm LLVT tỉnh; 9/10 Ban CHQS huyện đã biên soạn, phát hành sách lịch sử Quân sự huyện…); xây dựng, tu bổ các địa chỉ đỏ, tượng đài danh nhân (Tiêu biểu như các nhà lưu niệm danh nhân Hưng Yên, danh nhân quân sự Hưng Yên, tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cụm tượng đài chiến sỹ lực lượng vũ trang Hưng Yên tại trụ sở mới Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên; Bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Hưng Yên…); thực hiện chủ trương, đặc biệt là chủ trương phấn đấu bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm (Đây là chủ trương mới, được triển khai thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các cấp, các ngành rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, phấn đấu bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự hàng năm đạt gần 50%; nhiều huyện đạt kết quả cao từ những năm đầu thực hiện); tổ chức các khóa học kỳ quân đội...
Một trong những hoạt động giáo dục truyền thống đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn là việc triển khai Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua Quyết thắng và phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” (Đến nay Hưng Yên có 117/145 xã đạt nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 80,6%; 04/10 huyện, thành phố đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, trong đó: 01 huyện đạt huyện nông thôn mới; Thành phố Hưng Yên và 02 huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới). Thực hiện Chỉ thị số 05, 2 năm 2016 – 2017, LLVT tỉnh đã có 156 tập thể, 324 cá nhân được các cấp khen thưởng; 32 lượt tổ chức đảng, 157 đảng viên được các cấp ủy khen thưởng; 01 tập thể, 04 cá nhân được tôn vinh ở cấp quân khu; 24 tập thể và 30 cá nhân được tôn vinh ở cấp Bộ CHQS tỉnh. Năm 2018, có 83 tập thể, 150 cá nhân được các cấp khen thưởng; trên 13 lượt tổ chức đảng, trên 54 đảng viên được các cấp ủy đảng đề nghị cấp trên khen thưởng.
Bám sát chủ đề và nội dung Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện nghiêm nội dung, chương trình huấn luyện giáo dục chính trị hàng năm cho các đối tượng. Bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, đảng viên trẻ, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Thực hiện nghiêm đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa”; kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), qua đó mỗi cá nhân tự điều chỉnh, làm gương cho đồng chí, đồng đội, giữ gìn, phát huy truyền thống của LLVT tỉnh nhà.
Với sự quan tâm chăm lo thường xuyên, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự tỉnh, những năm qua, tuổi trẻ LLVT tỉnh Hưng Yên đã không ngừng trưởng thành, vững vàng, kiên định về bản lĩnh chính trị, tinh nhuệ về chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ và sục sôi bầu nhiệt huyết xung kích, “thi đua quyết thắng”; không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng năm, 100% cán bộ, đoàn viên, thanh niên LLVT ký cam kết không vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội; nhiều đoàn viên, đảng viên trẻ trở thành nhân tố nòng cốt trong các phong trào thi đua quyết thắng của LLVT tỉnh cũng như phong trào xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Hưng Yên. Tiêu biểu như: Đại úy Nguyễn Thế Vinh, nguyên giáo viên Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên, tấm gương tích cực nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, là tác giả 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng giảng dạy đạt hiệu quả cao; là giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân, được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cấp Bộ Quốc phòng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Thiếu tá Phan Hồng Phong, cán bộ Phòng Chính trị nhặt được của rơi, đồng chí đã kịp thời báo cáo cơ quan và bằng mọi cách tìm người đánh mất để trả lại tài sản. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên Ban Tuyên huấn được giao kiêm nhiều nhiệm vụ như phát thanh viên, phụ trách công tác phụ nữ Bộ CHQS tỉnh, mặc dù con còn nhỏ, mẹ già bệnh trọng, chồng là bộ đội, song chị luôn vượt qua mọi khó khăn, ở lĩnh vực nào cũng hoàn thành công việc xuất sắc. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang Nguyễn Văn Quynh, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm, được tuyên dương tấm gương tiêu biểu về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp toàn quân... Đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa rực rỡ sắc hương của tuổi trẻ LLVT tỉnh nhà, góp phần vào những thành tích, chiến công chung của LLVT Hưng Yên: Bộ CHQS tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng; Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen về thực hiện Pháp lệnh QDTV, thực hiện giáo dục quốc phòng, phòng chống lụt bão, thi đua quyết thắng...; nhiều năm liên tục được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, cờ trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương và nhiều bằng khen các loại; được Tỉnh ủy, UBND nhân tỉnh tặng nhiều bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Những kết quả, thành tích mà thế hệ trẻ LLVT tỉnh nỗ lực phấn đấu cùng cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đạt được trong những năm qua tiếp tục tô thắm truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, củng cố “thế trận lòng dân”, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc.
Để tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng với sự quan tâm và niềm tin yêu của Bác Hồ đối với LLVT Hưng Yên và quê hương Hưng Yên, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói chung, thế hệ trẻ LLVT nói riêng.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ, các cấp, các ngành tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp và phát huy tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên LLVT tỉnh. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền và tiếp tục việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho tuổi trẻ LLVT; động viên, khích lệ đoàn viên tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ quân đội học tập và làm theo lời Bác”, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, trong đó chú trọng nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng ý chí sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho tuổi trẻ LLVT bằng nhiều hình thức, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, sự hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước, để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ thêm lòng tự tôn, tự hào dân tộc bằng cách nhân rộng các điển hình trong tập thể, cá nhân tiên tiến làm theo lời Bác. Phối hợp tổ chức hoạt động “về nguồn” nhân các ngày lễ lớn trong năm; thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn”. Phối hợp chăm sóc phụng dưỡng các mẹ VNAH, thăm hỏi động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng và chính sách hậu phương quân đội, gia đình có con bị chất độc màu da cam/Đioxin và các chương trình khác do ngành và địa phương vận động… góp phần xây dựng cơ quan đơn vị LLVT vững mạnh toàn diện, cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, tỉnh mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.