KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/07/2021 - Lượt xem: 227
Giới thiệu bộ tem về bảo vật quốc gia Việt Nam

Nhằm góp phần quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng”.

Bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng”. (Ảnh: Công ty Tem Việt Nam).
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học. Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt.
Nhằm góp phần quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 2): Đồ vàng”. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 31/07/2021 đến ngày 30/06/2023
Bộ tem bao gồm bốn mẫu: Ấn “Sắc mệnh chi bảo” (4.000 đồng), ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo” (4.000 đồng), hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (6.000 đồng) và hộp đựng xá lỵ Tháp Nhạn (12.000 đồng).
Trong đó, ấn "Sắc mệnh chi bảo" (Niên đại: năm Minh Mệnh thứ 8 (1827)), được triều đình nhà Nguyễn chuyển giao cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Đã có những công trình nghiên cứu về ấn chương Việt Nam đều xác định Ấn Sắc mệnh chi bảo là hiện vật gốc, độc bản. Cho đến nay, chưa có ấn vàng nào khác được phát hiện có chất liệu, hình thức, kích thước và trọng lượng giống với ấn vàng Sắc mệnh chi bảo. Ấn hình vuông, cao 11 cm; các cạnh 14 x 14 cm; mặt ấn dày 2,5 cm; trọng lượng: 8.300gr. Ấn Sắc mệnh chi bảo hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” (Niên đại: Năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). Ấn có hình vuông, kích thước: cao 630cm; dài cạnh10,84cm; dày 1,10cm; trọng lượng 2.350gr.
Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (Niên đại: Thế kỷ XIV), có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn. Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 múi chính, là phần đầu khớp với các cánh sen ở phía dưới thân, tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn. Hoa văn được chạm khắc thủ công. Các họa tiết hoa văn, với phần nền gấm vân mây làm nền họa tiết hoa chanh là đặc điểm cho thấy trình độ và kỹ thuật hết sức điêu luyện của nghệ nhân chế tác. Các đường nét và họa tiết hoa văn nhỏ, với nét khắc sắc nét, khỏe khoắn trên nền cốt rất mỏng. Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn (Niên đại: thế kỷ VII – VIII), được xây dựng vào thời Đường. Toàn bộ hộp đựng xá lị Đức Phật Thích Ca làm bằng vàng nguyên chất, được chạm trổ tinh xảo. Nắp hộp có gờ mái trùm ngoài thân hộp, trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật. Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ 1): Đồ đồng” gồm 04 mẫu tem giới thiệu các bảo vật: Bộ khóa đai lưng bằng đồng (được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); Thạp đồng Hợp Minh (được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái); Kiếm ngắn Núi Nưa (được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa); Cây đèn đồng hình người quỳ (được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Tin liên quan