Bài 3: Màu của Hòa bình và hy vọng
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không,” phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài “Khát vọng hòa bình-thịnh vượng.”
Như đã đề cập ở các bài viết trước, cho rằng đã vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống radar và tên lửa của ta nên Mỹ mở Chiến dịch Linebacker II với 193 máy bay B-52, gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại, với niềm tin “vào đánh phá Hà Nội, như một cuộc dạo mát, sẽ trở về an toàn.”
Nhưng, quân chủng Phòng không Không quân đã nhanh chóng chống nhiễu điện tử, phát hiện và cảnh báo sớm B-52 tập kích Hà Nội, khiến những "siêu pháo đài bay" này trên màn hiện sóng, để từ đó quân và dân Hà Nội đánh sập thần tượng không lực Hoa Kỳ.
Những ngày cuối năm 2022, phố nhỏ, ngõ nhỏ Hà Nội đón những đợt gió lạnh mùa Đông. Có một khối kim loại khổng lồ nằm im lìm giữa hồ Hữu Tiệp, Ba Đình. Đây là mảnh của một máy bay ném bom chiến lược B-52 có nhiệm vụ “đưa miền Bắc và Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá."
Trái ngược với sự ngạo mạn của Không lực Mỹ, “siêu pháo đài bay” đã bùng cháy, vỡ tan tành trên bầu trời Hà Nội. Và khối kim loại lạnh lẽo nằm đó đã 50 năm nay...
Những chiến công của quân và dân Hà Nội khi đó, có công lao rất lớn của những người lính không quân quả cảm, không ít người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
“Chú Thiều nhà tôi hay viết thư cho bạn gái. Thư là loại giấy pơluya đẹp nhất có màu xanh, bên ngoài phong thư bao giờ cũng đính kèm một nhành thông. Chú ấy cũng hay nhận được thư với phong bì màu xanh mà bạn gái chú ấy gửi từ Liên Xô về. Không cắt nghĩa được chuyện này, nhưng chắc chắn giữa Thiều và bạn gái đã có một quy ước chỉ viết và gửi thư cho nhau bằng giấy màu xanh: Màu của Hòa Bình và Hy Vọng” - ông Vũ Xuân Thăng, người anh ruột của phi công Vũ Xuân Thiều cho biết.
Xác máy bay phản lực Mỹ bị các lực lượng vũ trang Thủ đô bắn rơi. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Bật công tắc đèn trên tầng hai của nhà số 21 phố Đặng Dung, ông Vũ Xuân Thăng chậm rãi từng bước chân. Ánh đèn nêông bừng sáng căn phòng. Trên bàn thờ là di ảnh Thượng úy phi công, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều. Bên cạnh bàn thờ có bức tượng đồng bán thân của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng. Gần đó là hộp kính nhỏ, bên trong đặt bức tượng đại bàng dũng mãnh bay cao, mô hình chiếc MiG-21 và mảnh xác máy bay B-52 bị Vũ Xuân Thiều bắn rơi. Trên hộp kính, đồng hồ ngưng đọng 50 năm nay ở vị trí 21 giờ 45 phút.
"Máy bay MiG-21 là sự nghiệp, chiếc B-52 là thứ đã lấy đi cuộc sống của chú ấy và đại bàng tạc từ đá phủ phosphor có thể phát sáng vào ban đêm là món quà của tình yêu. Chiếc đồng hồ là mẹ tôi đã cho dừng lại kể từ phút giây chú Thiều cất cánh ở sân bay Cẩm Thủy để đánh B-52," ông Vũ Xuân Thăng chậm rãi nói.
Bùi ngùi nhìn bốn di vật gắn với cuộc đời của liệt sỹ Vũ Xuân Thiều, ông Vũ Xuân Thăng run run bàn tay mở ngăn kéo tủ thờ. Lấy ra album ảnh của gia đình, lật trang bìa, nhìn bức ảnh người thanh niên Hà Nội có vóc dáng cao ráo, nụ cười tươi tắn, đôi mắt tinh anh trên khuôn mặt cương nghị đang đứng cạnh các giáo viên người nước ngoài, ông Thăng khẽ bảo: “Đây là chú Thiều nhà tôi khi học lái máy bay ở Liên Xô." Sau câu nói đó, những ký ức về người em trai hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi cứ thế quay về trong ông…
Gia đình Vũ Xuân Thiều có 10 anh em, Thiều là thứ bảy. Từ nhỏ, Thiều đã say mê máy bay và bầu trời. Cũng vì vậy mà anh trốn gia đình để nhập ngũ khi đang học năm thứ ba Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi được tuyển chọn vào Không quân, Thiều mới báo tin cho gia đình biết. Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, Vũ Xuân Thiều trở về nước và được biên chế về Trung đoàn 921 rồi Trung đoàn 927.
Những ngày được Trung đoàn cho đi nghỉ dưỡng ở Tam Đảo, Vũ Xuân Thiều tình cờ gặp Hoàng Hoa, cô gái người Hà Nội. Tình yêu giữa họ cứ thế nảy nở và ngày càng nồng thắm. Một thời gian sau, Hoàng Hoa cùng với Bình, em gái của Thiều, sang Liên Xô học. Thời gian này, hai người đều đặn viết thư cho nhau. Khi Thiều kể anh được biên chế trực chiến đấu trong đội hình MiG-21 chuyên đánh đêm, Hoàng Hoa đã gửi tặng người mình yêu con đại bàng đá. Đó là lời chúc Thiều và chiếc MiG-21 sẽ như đại bàng sải cánh dũng mãnh hạ gục B-52.
“Tình yêu của họ là vậy đó. Đồng đội và chỉ huy của chú Thiều vẫn nói rằng, tình yêu của cô chú ấy đẹp quá, lãng mạn quá!" ông Vũ Xuân Thăng nghẹn ngào kể.
Lật giở những tấm ảnh, bài viết về sự hy sinh của người em trai khi quyết định làm “quả tên lửa thứ 3” lao vào B-52, ông Vũ Xuân Thăng khẽ thở dài. Trong ký ức của ông, đêm 28/12/1972, mẹ ông không tài nào ngủ được, ruột gan cồn cào, lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Nhìn lên bầu trời thấy chớp lòa sáng rực. Tiếng bom B-52 dội xuống như long trời lở đất. Đạn tên lửa rồi pháo phòng không nổ rền vang. Mặt đất rung chuyển, chao đảo.
Hà Nội như 10 ngày trước đó, nhưng bà linh cảm lần này có chuyện chẳng lành.
Linh cảm của người mẹ ấy quả không sai. Đêm đó, Vũ Xuân Thiều trực chiến và được lệnh cất cánh từ một sân bay dã chiến ở Thanh Hóa đến vùng trời Sơn La. Khéo léo và mưu trí, Thiều lách qua được vòng vây dày đặc của các chiến đấu cơ địch, cho chiếc MiG 21 áp sát B-52 và xin lệnh phóng đạn. Rồi cả Sở Chỉ huy thắt lại khi nghe tiếng Thiều: “Thăng Long, Thăng Long, tôi đã bắn 2 quả tên lửa. B-52 chỉ bị thương nhẹ. Xin phép được tiêu diệt." Chỉ giây lát, tín hiệu của Thiều trên bản đồ bay biến mất, kể cả dấu hiệu của chiếc B-52. Các chiến sỹ liên lạc gọi dồn dập. Vừa khóc vừa gọi Thiều. Nhưng không một tín hiệu hồi âm…
Sáng hôm sau, chỉ huy và các đồng đội của anh đi trực thăng lên xã Tạ Khoa, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Trước mắt họ, “pháo đài bay” đã thành đống sắt vụn ven rừng. Chiếc
MiG-21 đầy thương tích nằm cách xác B-52 không xa. Đồng đội bật khóc khi thấy thi thể Vũ Xuân Thiều, anh bị một vết thương sâu ở sau gáy nhưng nét mặt đầy sự bình thản.
Triển lãm là sự tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
“Tôi biết chú ấy có ý định đó từ lâu rồi. Khi còn sống, chú ấy đã nói với đồng đội là mỗi chiếc B-52 có 8 động cơ nên rất khó rơi nếu chỉ một động cơ hỏng. Nên bắn mà không rơi thì chú ấy đâm, quyết hy sinh để
bắn rơi B-52. Trước khi chú ấy ra đi, chú ấy có để lại lá thư cho người yêu. Trong thư viết 'nếu anh có chuyện bất trắc xảy ra thì em đừng khóc.' Chú ấy cũng nói điều này với mẹ tôi và anh em trong nhà. Nghĩa là chú ấy đã sẵn sàng ra đi," ông Vũ Xuân Thăng đượm buồn nói.
Sau này, đồng đội gửi về gia đình chiếc túi đựng di vật của Vũ Xuân Thiều, trong đó có chiếc áo bộ đội mà anh mặc trước ngày hy sinh. Đầu năm 1973, mẹ của Thiều cùng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Festival tổ chức tại Berlin, Đức đã đưa tấm áo đó cho Hoàng Hoa giữ làm kỷ niệm. “Cô ấy ôm chặt cái áo rồi mặc luôn suốt thời gian Festival," ông Vũ Xuân Thăng kể.
Miên man những ký ức buồn, ông Vũ Xuân Thăng lại tự hào về người em trai anh hùng. Niềm tự hào đó như chia sẻ của Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang, phi công bắn rơi B-52 tại vùng trời phía Tây Hà Nội đêm 27/12/1972: Trong khoảnh khắc đó, không ai nghĩ đến bản thân mình. Không ai nghĩ nếu bây giờ hy sinh thì mình có thiệt hay không. Mình hy sinh thì ai đau khổ.
Người lính bấy giờ không có suy nghĩ gì. Thời điểm đó chỉ nghĩ rằng phải hoàn thành nhiệm vụ. Và rất nhiều người làm được những kỳ tích anh hùng, như dám lao vào B-52 như anh Vũ Xuân Thiều. Cũng không chỉ một Vũ Xuân Thiều, nếu còn có những trận chiến xảy ra thì sẽ có nhiều người hành động như anh ấy, để góp một phần cho cuộc chiến của dân tộc mình, hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đó chính là tình yêu Tổ quốc! Đó chính là khát vọng về Hòa bình!
Gập lại album ảnh, cẩn thận cất vào tủ rồi tắt máy tính - nơi lưu giữ ký ức và sách báo liên quan đến người em trai, ông Vũ Xuân Thăng hướng ánh mắt ra bên ngoài cửa sổ nhà số 21 phố Đặng Dung. Trời Hà Nội cuối tháng 12 thanh bình biết mấy. Đôi lúc, trong khoảng không có tiếng động cơ phản lực của những chiếc máy bay chiến đấu SU-30MK2 bay lượn trình diễn theo chương trình Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. “Hổ mang chúa” do các phi công của Trung đoàn 927, Sư đoàn Không quân 371- đơn vị chiến đấu của Vũ Xuân Thiều năm xưa điều khiển, bay theo đội hình, lúc chao lượn trên không, lúc thả bẫy mồi nhiệt.
Màn trình diễn của máy bay tiêm kích Su-30MK tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 lần thứ nhất ở Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Vậy là MiG 21 - “Én bạc” biểu tượng tự hào trong những năm tháng chiến tranh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giờ đây, máy bay tiêm kích đa năng siêu âm hiện đại
Su-30MK2 có sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Và mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam đang cùng với các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc; sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chi viện bảo vệ vùng biển, đảo, lãnh hải thiêng liêng của đất nước.
Như bày tỏ của Đại tá Nguyễn Huy Tuấn, Chính ủy Sư đoàn Không quân 371, tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh, cán bộ chiến sỹ Sư đoàn Không quân 371 thường xuyên ra sức học tập rèn luyện, huấn luyện để không ngừng phát triển về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vùng trời của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Chúng tôi vững tin luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống," Đại tá Nguyễn Huy Tuấn khẳng định./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn