Lê Xuân Tiến Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nghiêng đồng đổ nước ra sông trên cánh đồng xã Nhân Hòa - huyện Mỹ Hào. (Ảnh tư liệu)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình trở lại, cùng với hậu phương lớn miền Bắc, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên đồng lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu quyết tâm xây dựng hậu phương vững vàng, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Xác định nhiệm vụ quan trọng trước mắt là ổn định tình hình chính trị-xã hội, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, để đối phó với âm mưu leo thang ra miền Bắc của Mỹ. Một mặt, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, thành lập “Ban vận động đấu tranh chống địch cưỡng bức giáo dân di cư vào Nam”; thành lập các đội hướng dẫn sản xuất, đấu tranh chống cưỡng ép di cư; thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động giáo dân ở lại, thực hiện “Ba cùng”
[1], phổ biến chủ trương chính sách của Chính phủ, tố cáo tội ác của Mỹ-Diệm phá hoại hòa bình. Nhờ vậy, từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đến chiến thắng 30.4.1975, tình hình trật tự trị an của tỉnh luôn được giữ vững, các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toàn án nhân dân được kiện toàn và tăng cường, Nhân dân yên tâm sản xuất.
Song song với nhiệm vụ chính trị là nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên cùng Nhân dân tích cực, khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, từng bước phát triển kinh tế-xã hội. Hưng Yên là một trong những tỉnh tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất sớm, hoàn thành cải cách ruộng đất vào giữa năm 1956. Phong trào thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trên toàn tỉnh. Là một trong những tỉnh đi đầu và đạt được nhiều thành tích cao trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hưng Yên có 4 đơn vị được nhận Cờ thưởng thi đua luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc, trong đó tiêu biểu là công trình Đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải. Với những thành tích ấy, nhiều lần tỉnh Hưng Yên vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và tuyên dương.
Từ sau năm 1960, cùng với Thái Bình, Hưng Yên là một trong hai tỉnh đi đầu trong cuộc vận động đồng bào đi khai hoang. 10 năm xây dựng hậu phương (1955-1965), Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), kinh tế có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Từ một tỉnh “mười năm chín hạn”, “chiêm khê mùa thối”, Hưng Yên đã phát triển nền nông nghiệp ổn định: Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp tăng liên tục, bình quân 3 năm cải tạo (1958-1960) là 80.121.000 đồng, tăng lên 94.718.252 đồng năm 1965. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công và thương nghiệp đều đạt kết quả tốt. Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 1965 là 5.978.000 đồng, bán ra được 6.423.846 đồng, đạt 107%, trong đó lượng hàng xuất khẩu vượt kế hoạch giao. Nhờ vậy, hậu phương Hưng Yên trở nên vững vàng hơn, luôn đóng góp hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đối với Nhà nước, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ năm 1965 đến năm 1975, phải đối phó với các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, song Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên vẫn hăng say lao động sản xuất. Các phong trào thi đua yêu nước diễn ra rất sôi nổi, mạnh mẽ: Phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; phong trào “Tay búa, tay súng” của Công đoàn; phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”
[2], “Thanh niên ba sẵn sàng”
[3]... Nổi bật nhất là phong trào xây dựng “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”, nếu năm 1966 chỉ có 1 huyện, 15 xã và 94 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn/1 ha thì đến năm 1967 tăng lên 4 huyện (trong tổng số 9 huyện), 62 xã (trong tổng số 155 xã), 153 hợp tác xã (trong tổng số 406 hợp tác xã) đạt 5 tấn/ha. Đặc biệt có những cánh đồng 5 tấn chống Mỹ của các hợp tác xã như: Thọ Bình (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) đạt 7,3 tấn/ha; Trai Trang (nay thuộc thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ) đạt 7,75 tấn/ha; Lại Ốc (nay thuộc xã Long Hưng, huyện Văn Giang) đạt 7,5 tấn/ha...
Ngày 26.1.1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 1974, tổng diện tích gieo trồng được là 264.411 ha, đạt 97% kế hoạch; năng suất lúa cả năm đạt gần 6 tấn/ha, các huyện, thị xã đều đạt mục tiêu 5 tấn/ha. Điển hình như Hợp tác xã Như Quỳnh (nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) đạt trên 10 tấn/ha, ngoài ra còn có trên 100 hợp tác xã đạt từ 7 đến 9 tấn/ha. Sản lượng lương thực năm 1974 không những đã vượt đỉnh cao năm 1972 trên 10 vạn tấn mà còn vượt cả mục tiêu phấn đấu đề ra cho kế hoạch năm 1975. Về sản xuất công nghiệp, giá trị tổng sản lượng toàn ngành năm 1974 đạt 100,9% kế hoạch, 29/42 xí nghiệp quốc doanh và hầu hết các cơ sở tiểu thủ công đều đạt và vượt mức kế hoạch .
Đảng bộ tỉnh luôn chủ động xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, đối phó chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích, đội tự vệ chiến đấu của các huyện, xã, các cơ quan, xí nghiệp được xây dựng và không ngừng phát triển... Năm 1967, toàn tỉnh có 12.811 dân quân tự vệ, chiếm tỷ lệ 10,29% dân số, chú trọng xây dựng các phân đội dự bị cơ sở sẵn sàng bổ sung cho quân đội. Đến năm 1967, tỉnh đã tổ chức được 205 phân đội ở tất cả các xã, cơ quan, xí nghiệp. Nhiệm vụ xây dựng làng chiến đấu được chỉ đạo chặt chẽ, đến cuối năm 1967, Hưng Yên căn bản hoàn thành việc xây dựng làng chiến đấu, cả tỉnh đã xây dựng được 170 làng chiến đấu ở 37 xã vùng trọng điểm.
Công tác giao thông vận tải cũng luôn đảm bảo thông suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đảng bộ tỉnh đã huy động được đông đảo quần chúng tham gia rà, phá, tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi để chống địch phong tỏa, đảm bảo giao thông thủy và bộ, đặc biệt các tuyến quan trọng như đoạn đường sắt ga Lạc Đạo (huyện Văn Lâm), các đoạn đường 5 tại Bần Yên Nhân, Dị Sử, Ngọc Lập, Bạch Sam (nay thuộc thị xã Mỹ Hào); đầu mối giao thông đường 199 và khu vực phà Mễ Sở (huyện Văn Giang). Năm 1972, thời điểm Mỹ bắn phá ác liệt, trong vòng 5 tháng, tỉnh Hải Hưng đã rà, tháo, gỡ được 105 quả bom dưới lòng sông và nhiều bom, mìn trên địa bàn để đảm bảo an toàn.
Công tác phòng không sơ tán được thực hiện tốt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng, Nhân dân tích cực tham gia sửa chữa, đào mới hầm, hố, giao thông hào trong nhà, ngoài đồng, trên các tuyến đường, tổ chức canh gác báo động, sơ tán, phân tán, che phòng, ngụy trang: Toàn tỉnh lập được 354 trạm quan sát báo động; đào được 255.598 hầm gia đình và công cộng; 742.606 hố cá nhân; 578.824m hào giao thông; bình quân 2,5 người có 1 hầm; 1 người có 1,2 hố cá nhân và 0,9m giao thông hào, trong khi đó năm 1966 mới có 90% số hộ có hầm, 60% số nhân khẩu có hố cá nhân và bình quân đầu người 0,7m giao thông hào/người.
Từ cuối năm 1965 đến cuối năm 1972, Mỹ nhiều lần dùng máy bay bắn phá ác liệt hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Quân dân trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu, ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc của địch. Năm 1966-1968, máy bay địch xâm phạm vùng trời tỉnh tới hàng trăm lần, với hàng nghìn lượt máy bay các loại, ném hàng nghìn quả bom, tên lửa các loại xuống các ga đường sắt, đường số 5, bến đò, bến phà, các đoạn đê sông Hồng, sông Luộc và một số khu dân cư. Địch còn đánh cả vào trường học, bệnh viện, công trình thủy lợi, những nơi đang sản xuất, gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Trước hành động bắn phá ác liệt của quân địch, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hải Hưng kiên trì, các địa phương chủ động xây dựng phương án chiến đấu, đánh trả khi máy bay địch xâm phạm vùng trời quê hương. Nhờ chuẩn bị chu đáo, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh lập được nhiều chiến công, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Ngày 17.7.1972, trong đợt bắn phá lần 2, đơn vị 3662 tiêu diệt 1 máy bay A6. Ngày 15.8.1972, tiểu đoàn 71 bắn rơi 1 máy bay khác. Ngày 22.12.1972, một máy bay B-52 Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời tỉnh rơi xuống dòng sông Luộc, một khoang đuôi và một phần chiếc cánh B-52 rơi trên bãi mía thôn Đồng Chấm và Sĩ Quý (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ).
Vừa chủ động đối phó địch, khắc phục muôn vàn khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, Hưng Yên vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Theo tiếng gọi chống Mỹ, thanh niên trong tỉnh có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1965, toàn tỉnh có gần 3.000 nam, nữ thanh niên gia nhập Đội Thanh niên xung phong, số thanh niên lên đường nhập ngũ mỗi năm đều tăng. Năm 1973, tỉnh Hải Hưng hoàn thành hai đợt tuyển quân chi viện chiến trường 12.268 người (chỉ tiêu là 11.400 người). Năm 1974, chỉ tiêu tuyển quân của tỉnh là 11.638 người, tỉnh giao vượt chỉ tiêu 147 người. Năm 1975, tỉnh giao 23.797 người (chỉ tiêu là 23.560 người).
Bên cạnh đó, phụ nữ tỉnh sẵn sàng làm tròn trách nhiệm hậu phương, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ. Huyện Phù Cừ có hơn 13.000 lá đơn của phụ nữ tình nguyện làm tất cả các việc ở nhà để chồng, con, em yên tâm đi chiến đấu giết giặc, cứu nước. Với các khẩu hiệu hành động “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng năm, tỉnh đều hoàn thành đủ hoặc vượt chỉ tiêu giao nộp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Về thực phẩm, năm 1961, tỉnh thu mua 1.644 tấn, năm 1962 là 2.458 tấn. Về nghĩa vụ lương thực: Năm 1960, toàn tỉnh đóng được 14.080 tấn; năm 1961 đóng 14.756 tấn, đến năm 1962 tăng lên 17.687 tấn, năm 1973, tỉnh thực hiện được 72.575 tấn, vụ mùa 58.883 tấn, năm 1974, tỉnh huy động được 138.430 tấn, đạt 90% so với tổng mức… hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm đã được chuyển vào chiến trường, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đối với đồng bào miền Nam.
Những đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên là minh chứng sinh động khẳng định: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam. Đồng hành cùng tiền tuyến lớn Miền Nam, có miền Bắc nói chung và Hưng Yên nói riêng là hậu phương vững chắc, sẵn sàng “chia lửa” ủng hộ về nhân lực và vật lực. Không chỉ tiếp đạn, tiếp lương thực mà hàng ngàn, hàng vạn thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Hưng Yên đã lên đường chiến đấu, với tuổi trẻ và nhiệt huyết cách mạng, có những người con Hưng Yên anh hùng bất khuất, ra đi không trở về.
Với những đóng góp lớn lao của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Hưng Yên vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, Hưng Yên tự hào là tỉnh được Nhà nước và Chính phủ tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến cùng huân, huy chương các loại cho cá nhân, gia đình có công, các đơn vị lập thành tích xuất sắc; trong đó có danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tỉnh Hải Hưng.
[1] Cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
[2] Đảm việc nước; Giỏi việc nhà; Sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
[3] Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần.