Từ năm 2000, cùng với cả nước, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát động trong toàn tỉnh Hưng Yên. 20 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định tính toàn dân, toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để đạt được mục tiêu của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa và phát động nhiều phong trào thi đua cụ thể, đã đem lại hiệu quả. Đến nay, việc thực hiện các nội dung, phong trào cụ thể trong phong trào đã trở thành việc làm thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh. Kết quả đạt được của phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy truyền thống quê hương gia đình văn hóa của cả nước, phong trào xây dựng gia đình văn hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và hướng dẫn các gia đình đăng ký danh hiệu trong năm. Công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo theo quy định. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 91,5% gia đình văn hóa. Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ở các địa phương, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái thành đạt, nhiều gia đình tôn giáo mẫu mực yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo tham gia tích cực các phong trào thi đua ở địa phương, nhiều gia đình giữ gìn được nề nếp gia phong, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nhiều mô hình “Gia đình phát triển bền vững” “Gia đình nông dân sản xuất giỏi”, “Gia đình không sinh con thứ 3”, nhiều khu dân cư nhiều năm liền giữ vững danh hiệu văn hóa, trở thành những điển hình để nhân dân phấn đấu noi theo.
Những năm qua, phong trào xây dựng làng văn hóa được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các làng, tổ dân phố trong tỉnh tích cực xây dựng danh hiệu văn hóa; việc bình xét, công nhận danh hiệu được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định và đảm bảo thực chất. Năm 2000, toàn tỉnh mới có 28.4% làng, khu phố văn hóa, năm 2020 có 88.7% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Xây dựng làng văn hóa tại các xã, phường, thị trấn đã gắn kết phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, phát huy nhân tố văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất của người dân ở nông thôn và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo bộ mặt nông thôn mới. Các làng văn hóa đã huy động mạnh mẽ sự đóng góp của người dân ở địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, phục vụ cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ phong trào đã kêu gọi được nguồn lực xã hội hóa của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được nhân dân đóng góp xây dựng, tạo điểm vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho người dân, tình làng, nghĩa xóm được gắn kết. Xây dựng làng văn hóa còn phát huy được hiệu quả công tác xã hội văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở nông thôn; khẳng định thôn, làng là địa bàn trọng yếu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân ở cơ sở. Phong trào văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, xã được bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, lấy đoàn kết cộng đồng làm sức mạnh, lấy khu dân cư là địa bàn hoạt động, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện và lâu dài góp phần vào công cuộc đổi mới của tỉnh. Cuộc vận động góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc duy trì, tổ chức các cuộc vận động gắn với các phong trào như “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đoàn kết - Sáng tạo”, “Xây dựng khu dân cư 3 không”… đã khơi dậy sức mạnh từ cộng đồng, mỗi người dân và mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; phát huy tinh thần tự quản, sáng tạo của cộng đồng. Thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để vận động toàn dân hưởng ứng các phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chính sách của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương. Phong trào thi đua “Lao động, sản xuất giỏi trong nông nghiệp”, phong trào “ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất” đã tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các phong trào thi đua đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân được cải thiện. Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng năng suất, chất lượng.
Các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh công sở, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; có ý thức chấp hành tốt nội quy, quy chế, xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc có kỷ luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉnh đốn lề lối, thái độ làm việc, tăng cường đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được triển khai nề nếp, lồng ghép với các phong trào thi đua mang tính đặc thù riêng của từng cơ quan, đơn vị … Từ đó, phong trào trở thành một trong các phong trào thi đua sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động tham gia và có tác động tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng cơ quan, đơn vị. Đến nay, toàn tỉnh có 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh tham gia, từ thành thị cho đến vùng nông thôn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều hưởng ứng tích cực và thực hiện nghiêm túc. Phong trào luyện tập thể dục thể thao lan tỏa rộng khắp đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp thể dục thể thao của tỉnh nhà phát triển mạnh. Với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao phù hợp để tập luyện, đã trở thành nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư. Kết quả mang lại đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ. Đến nay, toàn tỉnh có 34% dân số toàn tỉnh tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao đạt 32%, trên 2.000 câu lạc bộ, điểm, nhóm luyện tập thể thao thường xuyên. Phong trào thể thao trong trường học phát triển mạnh. 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất, 83.5% số trường thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khóa, 98,1% số cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể.
Phong trào học tập, lao động sáng tạo được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền phổ biến về khoa học kĩ thuật được chú trọng và nâng cao, nhiều đề tài khoa học được đầu tư nghiên cứu và ứng dụng thành công vào thực tiễn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống xã hội được đẩy mạnh và phát huy, hệ thống mạng internet được phát triển đồng bộ, rộng khắp trong đó nổi bật là việc sử dụng có hiệu quả hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông, cổng thông tin điện tử. Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn đồng thuận thực hiện phương châm “thi đua giỏi, về đích sớm” đã đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập và lao động sáng tạo đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Từ các phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức Trung thành- Sáng tạo- Tận tụy- Gương mẫu”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong toàn tỉnh đã có hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm, được áp dụng vào thực tiễn, hàng trăm nghìn lô sản phẩm đạt chất lượng cao, làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Với phương châm lấy nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm nội dung trọng tâm, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, đồng thời xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào, cuộc vận động nòng cốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, coi đó là động lực để thực hiện thành công phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
HC