KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/03/2021 - Lượt xem: 113
Hiệu quả trong việc quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh

Nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp xã, đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân tại cơ sở, năm 2009, Ban Bí thư đã giao Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Sau quá trình thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố, đến năm 2011, Đề án được triển khai trên phạm vi cả nước, trong đó có Hưng Yên. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm, ngày 08/02/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Kết luận số 30-KL/TW về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Tại Hưng Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo ban tuyên giáo, trung tâm chính trị, thư viện huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và khai thác sách có hiệu quả theo Quy chế quản lý và sử dụng Tủ sách trang bị ở cơ sở xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 1622-QĐ/BTGTW ngày 12/7/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Các đối tượng được trang bị sách gồm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; thường trực, ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; trung tâm chính trị, thư viện các huyện, thị xã, thành phố; 161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Số lượng đầu sách tiếp nhận đầy đủ theo đúng danh mục trong Đề án trang bị chung cho cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Đề án; bố trí tủ sách, phòng đọc, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng để phát huy hiệu quả Đề án. Nhiều địa phương lập tủ sách của đảng uỷ và giao cho văn phòng đảng uỷ trực tiếp quản lý; một số địa phương giao văn phòng UBND xã hoặc chuyển sách vào tủ sách pháp luật, giao cho cán bộ tư pháp quản lý; một số nơi chuyển sách vào trung tâm học tập cộng đồng… Các xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận sách đều thông báo tới các đồng chí trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân tìm đọc, tra cứu khi cần thiết. Nhiều lượt tập thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thường xuyên quan tâm nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới và tiếp nhận những thông tin từ sách của Đề án.

Sau 10 năm thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Đề án đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nâng cao kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đáp ứng kịp thời việc tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức về nhà nước và pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; về văn hoá, đạo đức, khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hệ thống thư viện, tủ sách công cộng hoạt động cơ bản nền nếp. Toàn tỉnh có 01 thư viện cấp tỉnh với trên 16 vạn đầu sách, 165 loại báo chí và kho sách lưu động trên 34.000 cuốn, hàng năm luân chuyển hàng vạn lượt sách, báo về các thư viện, tủ sách pháp luật ở cơ sở; mỗi năm bổ sung từ 6.000 - 8.000 cuốn sách; hàng năm thu hút 18.000 - 20.000 lượt người đọc; hầu hết 10 thư viện huyện, thị xã, thành phố đều có từ 5 vạn - 9 vạn đầu sách/thư viện, một số thư viện có từ 3,5 vạn - dưới 5 vạn đầu sách/thư viện; 161/161 xã, phường, thị trấn có tủ sách; 790 thư viện, tủ sách thôn, làng, khu phố, phục vụ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đến khai thác, sử dụng.

Những cuốn sách với nội dung thiết thực, dễ hiểu; những mô hình mới, những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến trong sách đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân vận dụng vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; làm giảm tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm; đưa người dân tiếp cận những tri thức mới của nhân loại. Đề án đã từng bước đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, trau dồi kiến thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần làm ổn định tình hình chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Nhờ có Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và việc xã hội hoá mô hình thư viện, việc tặng sách của các tập thể, cá nhân... nên đa số thư viện, tủ sách hoạt động tốt với nhiều đầu sách chất lượng, thiết thực thu hút nhiều lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân đến khai thác thông tin, tra cứu dữ liệu, tìm hiểu kiến thức... Nhiều cơ sở quản lý, sử dụng và khai thác sách có hiệu quả như: thị trấn Lương Bằng, xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động); phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên); các xã Tân Quang, Đại Đồng (huyện Văn Lâm); xã Đình Cao (huyện Phù Cừ); các xã Hoàn Long, Minh Châu (huyện Yên Mỹ); thị trấn Ân Thi (huyện Ân Thi)…

Có thể thấy, từ một chủ trương hết sức đúng đắn, với sự quyết tâm triển khai đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cùng với Tủ sách pháp luật, sách trang bị tại điểm bưu điện, văn hóa xã đã góp phần làm phong phú tủ sách ở cơ sở, là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng các sách, tài liệu về giáo dục lý luận chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… phục vụ công tác của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức về mọi mặt của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Vì vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cũng như Tủ sách cơ sở, các tổ chức cơ sở đảng, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của Đề án trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Từ đó, có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện, kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các tủ sách ở cơ sở nói chung cũng như các ấn phẩm của Đề án nói riêng. Cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, các nguồn lực, nhất là con người trong quản lý, sử dụng và khai thác sách của Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tra cứu, cập nhật thông tin, vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lưu Tú

Tin liên quan