KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 25/10/2022 - Lượt xem: 169
Hình tượng cố Tổng Bí thư Trường Chinh thời trẻ qua ngôn ngữ chèo

Tham gia Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2022, vở diễn “Trọn đời vì nước non” do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định trình diễn đã để lại những xúc cảm vừa sâu lắng, vừa tự hào khi làm nổi bật chân dung người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu, tức cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Vở diễn khắc họa chân thực, sinh động chân dung người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu. (Ảnh: Đào Anh)
"Trọn đời vì nước non" được NSND Tự Long đạo diễn dựa trên kịch bản của Lê Thế Song; âm nhạc: Dương Thanh Nam; thiết kế mỹ thuật: Đặng Minh Tuấn; biên đạo múa: NSƯT Thanh Nam. Vở chèo tập trung khắc họa quãng thời gian hoạt động của Đặng Xuân Khu kể từ khi rời quê hương thành Nam (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) đi theo con đường cách mạng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa. Trong quá trình ấy, người thanh niên yêu nước đã nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man tại Nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La. Song với sự kiên trung, niềm tin son sắt vào lý tưởng cách mạng, ông không những không bị khuất phục trước kẻ thù mà còn khiến chúng kinh sợ, thậm chí cảm hóa cả những cai ngục để đưa họ đến với ánh sáng cách mạng.
Những câu thoại giàu tính tư tưởng của nhân vật Đặng Xuân Khu trong vở diễn như: “Tôi đi về phía mặt trời, đi để tìm chân lý, đi để cứu nước cứu dân, tôi đi làm cách mạng”, hay “con đường cách mạng còn gian khó nguy nan, nhưng tôi sẽ đi và sẽ đến, với một niềm tin son sắt, trong lòng tôi có ngọn lửa thúc giục…”, kết hợp những lát cắt có chiều sâu của vở diễn đã khắc họa chân thực chân dung người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, tư tưởng, nhà lý luận, lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của đất nước và nhân dân. Vở diễn làm toát lên vẻ đẹp của cảm hứng anh hùng ca và ý chí lạc quan cách mạng, gieo vào lòng người xem tinh thần tự hào dân tộc.
Ngôn ngữ múa với đạo cụ là những ống tre, nứa được kết thành bè, khối. (Ảnh: Đào Anh)
Đảm nhận vai trò đạo diễn, NSND Tự Long đã phát huy được thế mạnh khi khéo léo lồng gắn những chi tiết hài hước nhẹ nhàng kết hợp những cảnh diễn giàu chất trữ tình như: cảnh cai ngục chép thơ và xin thơ của Đặng Xuân Khu, cảnh tù nhân chính trị nhớ con cất lên lời hát ru, cảnh vợ chồng Đặng Xuân Khu được tái ngộ sau nhiều năm xa cách, cảnh Đặng Xuân Khu bồi hồi đọc thư con… đã khiến mạch diễn trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển và đầy xúc động, sâu lắng.
Tác giả, thạc sĩ Lê Thế Song chia sẻ: Vở diễn lựa chọn tái hiện giai đoạn hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ của cố Tổng Bí thư Trường Chinh để làm nổi bật hình tượng của một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất với đầy đủ trí-đức-nhân-tâm-tài.
Có những chi tiết không được ghi lại trong lịch sử nhưng từ những tư liệu được sưu tầm từ gia đình cố Tổng Bí thư, tác giả đã đưa vào kịch bản nhằm khắc họa sâu sắc hơn vẻ đẹp vừa vĩ đại vừa gần gụi của người chiến sĩ cộng sản Đặng Xuân Khu. Chẳng hạn như khi ông bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò, giặc Pháp đã muốn lung lạc ý chí của ông bằng cách đưa vợ vào thăm. Tình tiết này một lần nữa làm sáng ngời tinh thần bất khuất, kiên định của Đặng Xuân Khu, đồng thời cũng cho thấy sức chịu đựng, sẵn sàng hi sinh vì việc lớn của người vợ thảo hiền.
Hai nhân vật chính thể hiện tài ca, diễn giàu nội lực. (Ảnh: Đào Anh)
Hay khi ông ra tù, phong trào đấu tranh phản chiến của nhân dân Pháp rất mạnh, toàn quyền Pháp phải ký quyết định trả tự do cho các tù nhân. Dù trả tự do nhưng giặc Pháp vẫn bắt Đặng Xuân Khu phải trở về bằng cách đi trên bè nứa sông Đà. Rất ít người có thể trở về an toàn bằng cách này nhưng với sự giúp đỡ của bà con, đặc biệt là các đồng chí, đồng đội, ông đã từ Sơn La về Hà Nội an toàn. Ở chi tiết này, ngôn ngữ múa với đạo cụ là những ống tre, nứa được kết thành bè, khối đã làm bật lên vẻ đẹp của sức mạnh đoàn kết quân dân…
Bên cạnh đó, làm nên sức hấp dẫn của vở diễn không thể không nói đến đóng góp của đội ngũ diễn viên. Với “Trọn đời vì nước non”, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đã “khoe” được thực lực của lực lượng diễn viên chèo hùng hậu, đặc biệt là Xuân La (vai Đặng Xuân Khu) và Thu Phương (vai bà Minh, vợ Đặng Xuân Khu) - hai nghệ sĩ sở hữu giọng ca giàu nội lực.
NSƯT Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định cho biết: Vở diễn là công trình nghệ thuật được Nhà hát tâm huyết dàn dựng nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - người con ưu tú của quê hương Nam Định, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người xem, đặc biệt là của những khán giả trẻ tuổi.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan