Giải quyết hiệu quả các tranh chấp
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Tư pháp của QH cho biết: Tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019), QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH, ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để báo cáo Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 41. Sau đó, dự thảo luật tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để gửi xin ý kiến các đại biểu QH tại các Ðoàn đại biểu QH. Ủy ban TVQH cho biết: Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh để hòa giải thêm một số việc, như: yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản, yêu cầu phân chia tài sản chung, yêu cầu công nhận thỏa thuận về nuôi con… Về nội dung này, Ủy ban TVQH nhận thấy, dự thảo luật đang quy định phạm vi điều chỉnh là đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện gửi đến tòa án. Trường hợp đương sự không khởi kiện tại tòa án mà lựa chọn hòa giải, đối thoại thì pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế hòa giải. Ðồng thời, tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, theo đó, các bên có quyền đề nghị tòa án xem xét, ra quyết định công nhận kết quả mà các bên đã hòa giải thành. Vì vậy, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho được giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật.
Thảo luận trực tuyến về dự thảo luật, một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm là việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án (Ðiều 9). Các đại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nên có các quy định hợp lý về việc thu phí, nhất là đối với những vụ việc, tranh chấp có giá trị tài sản lớn từ 100 triệu đồng trở lên. Bởi các công việc liên quan công tác hòa giải đều phải có những chi phí nhất định. Tuy nhiên, đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, cần khuyến khích người dân tham gia cho nên trước mắt ủng hộ phương án phần lớn các trường hợp Nhà nước không thu phí hòa giải. Sau đó, các cơ quan chức năng cần có đánh giá tác động của quy định này để có hướng xử lý phù hợp.
Về tiêu chuẩn của hòa giải viên, một số đại biểu tán thành với quy định ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (thẩm phán, kiểm sát viên…), thì luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác đều có thể đảm nhận chức danh này. Tuy nhiên, về thời gian kinh nghiệm thì có ý kiến khác nhau. Có đại biểu nhất trí như dự thảo luật là phải có 10 năm kinh nghiệm; một số đại biểu cho rằng 10 năm là quá nhiều bởi hầu hết những người có chức danh nêu trên đều có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tế… Cho nên thời gian kinh nghiệm chỉ nên quy định ở mức 5 năm hoặc bảy năm.
Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 5 năm tiếp theo
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, góp phần tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường… Những thành quả bước đầu đã góp phần khẳng định các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta trong đó có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là đúng đắn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban TVQH về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình QH xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Thảo luận về nội dung nêu trên, hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự thảo thực hiện Nghị quyết về tiếp tục ban hành chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ðảng và tính nhân văn của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho nông dân. Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu QH.
Trong ngày làm việc hôm qua, QH đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật nêu trên, phần lớn đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật. Ðề cập về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Chương III), đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, đây là chính sách chung mang tính định hướng trên lĩnh vực quan trọng của đời sống thanh niên cũng như những đối tượng thanh niên đặc thù, nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành. Ðây được xem là luật gốc đối với các vấn đề về thanh niên, các luật chuyên ngành quy định các vấn đề liên quan đến thanh niên buộc phải tuân theo các nguyên tắc quy định trong luật này. Tuy nhiên, các chính sách của nhà nước đối với thanh niên cần được bổ sung để tương thích với Bộ chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN để có sự tương đồng về chiến lược phát triển thanh niên với các nước thành viên. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung chính sách với thanh niên nông thôn vì hiện nay đây là đối tượng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định...
Cuối phiên làm việc buổi chiều, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu…
Tôi thống nhất về sự cần thiết quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp đề nghị hòa giải. Vì nếu thu chi phí trong tất cả các trường hợp hòa giải sẽ làm cho các bên e ngại, không chọn hòa giải. Do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, cần có thời gian đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn. Ngoài ra, tuy dự luật có giao Chính phủ quy định chi tiết mức thu nộp chi phí hòa giải, đối thoại nhưng tôi đề nghị cần phải bổ sung một quy định mang tính nguyên tắc là: Có sự thỏa thuận, thống nhất trước của các bên về chi phí phải nộp đối với trường hợp chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải ngoài trụ sở tòa án. Bởi vì đây là những chi phí thực tế, sau khi thực hiện mới có chi phí này mà Nhà nước không thể định khung, không thể định tỷ lệ phần trăm phải nộp. Ðại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) |
Cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng, thực hiện công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý, thực hiện giảm thuế đúng đối tượng... Qua đó, góp phần nâng cao kết quả, hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) |
Nguồn: nhandan.com.vn