Ngày 11.12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (Ban chỉ đạo Trung ương) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và sự nỗ lực, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách, dự án thuộc chương trình đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.
Tổng nguồn lực được bố trí, huy động để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016 – 2020 trong cả nước đạt trên 93 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,6 lần; 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27.12.2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; khoảng 550 xã, 1286 thôn hoàn thành mục tiêu chương trình 135/QĐ-TTg ngày 31.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Kết quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020 đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Người nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… của người nghèo cơ bản được đáp ứng. Đồng thời, người nghèo nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.
Đối với tỉnh Hưng Yên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể với nhiệm vụ, giải pháp, thiết thực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%; trên 95% số hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thuộc mức trung bình trong nhóm khu vực đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo, cần đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề. Giải quyết đói nghèo phải đi từ sản xuất, kinh doanh, có việc làm mà trước hết là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những chương trình đã triển khai tập trung cho vùng có thu nhập thấp. Trước mắt, hỗ trợ kịp thời cho người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc, không để người dân không có chỗ ở, bị thiếu đói, bệnh tật. Khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% số học sinh được đến trường; chăm lo tết cho người nghèo. Cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020 và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 được khen thưởng.
Nguồn: baohungyen.vn