Ngày 26.8, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử của 63 tỉnh, thành phố. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình phát triển Chính phủ điện tử và một số giải pháp để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Văn phòng Chính phủ báo cáo về Cổng Dịch vụ công quốc gia và tình hình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại các bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn từ tháng 8.2017 đến tháng 7.2019, Việt Nam xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc (theo xếp hạng Chính phủ điện tử của các quốc gia trên thế giới do Liên Hợp quốc đánh giá). Báo cáo cũng nêu rõ, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7.3.2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 62/76 nhiệm vụ có thời hạn cụ thể, đang thực hiện 7 nhiệm vụ thường xuyên; đến tháng 7.2020 mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 96% số quận, huyện, thị xã; 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đạt tỷ lệ 82,61%. Tính từ ngày 1.1.2019 đến hết ngày 31.7.2020, đã có tổng cộng khoảng 4,4 triệu giao dịch chính thức thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, trung bình 1 ngày có khoảng hơn 7,6 nghìn giao dịch. Đến tháng 7.2020, tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt trên 88,5%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt trên 15,9%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 30%; tỷ lệ bộ, ngành, địa phương đã triển khai bảo vệ 4 lớp là 44%. Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã kết nối tới 38 trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) của các bộ, ngành, địa phương…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cũng như những kiến nghị, giải pháp để xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thời gian tới.
Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, bảo đảm kế hoạch; các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử năm 2021; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; thông tin đưa lên các trang, cổng thông tin điện tử kịp thời, chính xác; triển khai rà soát bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu; các sở, ngành đẩy mạnh việc rà soát thủ tục hành chính liên thông…
Nguồn: baohungyen.vn