KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 20/05/2020 - Lượt xem: 122
Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

Ảnh minh họa
Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đề án nêu rõ 6 nhiệm vụ về hợp tác quốc tế gồm: 1- Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; 2- Phát triển kinh tế biển, ven biển; 3- Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; 4- Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; 5- Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; 6- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.
Phát triển kinh tế biển, ven biển
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, ven biển, Đề án nêu rõ phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo. Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn. Phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch quốc tế, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác.
Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo... Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và tiêu thụ.
Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới.
Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.
Nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực biển
Về nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai các nội dung, nhiệm vụ  yêu cầu về hợp tác quốc tế, bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020.
Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; phối hợp với các nước có thế mạnh về khoa học biển trong hợp tác, nghiên cứu xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc; chủ động tham gia tích cực các hoạt động quốc tế  trong khuôn khổ Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030.
Đào tạo phát triển nhân lực biển chất lượng cao, chú trọng các lĩnh vực kinh tế hàng hải, du lịch biển, thủy hải sản, y học biển; xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; đào tạo lại, đào tạo mới, hình thành đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về tài nguyên, môi trường biển.
Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam tham gia vào các tổ chức khoa học công nghệ biển quốc tế, các ban biên tập các tạp chí quốc tế về biển.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan