Hệ thống thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, là cơ sở để xây dựng đời sống mới. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương; giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động chào mừng các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị, xã hội của đất nước, địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở mỗi địa phương cơ sở, là điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức được giá trị to lớn đó và trên cơ sở hiện trạng hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh, ngày 04/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1067/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để xây dựng thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, đảm bảo các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng lành mạnh, bổ ích, thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Trên cơ sở Quyết định số 1067/QĐ-UBND và Kế hoạch số 67/KH-UBND về thực hiện Đề án xây dựng thiết chế văn hóa giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức quán triệt; ban hành Kế hoạch triển khai, đồng thời lồng ghép các mục tiêu của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, nhất là chủ động đầu tư kinh phí và huy động nguồn lực xã hội hóa để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
Trong 04 năm qua, ngân sách tỉnh đầu tư 123 tỷ đồng hỗ trợ 123 thôn, khu phố xây dựng mới nhà văn hóa; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đầu tư gần 100 tỷ đồng cho Trung tâm Văn hóa cấp huyện và hỗ trợ địa phương để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị nhà văn hóa; các xã, phường, thị trấn đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao các thôn. Ngoài ra, các địa phương huy động từ nhân dân, con em xa quê thành đạt, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ sức người, sức của xây dựng nhà văn hóa vói tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Nhờ đó, các thiết chế văn hoá cấp tỉnh được cải tạo, nâng cấp và xây mới, hầu hết đạt chuẩn theo quy định cùa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng tỉnh được xây dựng mới, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2018. Thư viện tỉnh được cải tạo, nâng cấp từ trụ sở của Thành ủy Hưng Yên cũ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu và công năng sử dụng. Dự án xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động tại thị xã Mỹ Hào đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện đang bắt đầu triển khai các bước đầu tư xây dựng.
Ở cấp huyện, trước khi Đề án được triển khai, toàn tỉnh có 08 huyện có Trung tâm Văn hoá (đạt 80%); 02 huyện, thành phố dùng Hội trường Uỷ ban nhân dân kiêm chức năng Trung tâm Văn hóa; 10/10 huyện, thành phố có thư viện. Sau khi thực hiện Đề án, các huyện, thị xã, thành phố đầu tư kinh phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa cấp huyện: Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Kim Động xây dựng mới quy mô gần 400 ghế ngồi, khánh thành đưa vào sử dụng đầu năm 2018; Trung tam Văn hoá - Thể thao huyện Tiên Lữ xây dựng mới với quy mô hơn 400 ghế ngồi khánh thành đưa vào sử dụng đầu tháng 12/2019; Trung tâm Văn hóa huyện Yên Mỹ, Phù Cừ, Ân Thi, Khoái Châu, Mỹ Hào được cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hoạt động; Thành phố Hưng Yên đang hoàn tất hồ sơ nhận bàn giao cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa tỉnh từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 09 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hoá (đạt 90%); huyện Văn Giang đã có quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa, dự kiến khởi công xây dựng vào quý I/2020. 10/10 thư viện cấp huyện được cấp kinh phí hoạt động, thường xuyên bổ sung sách báo, trang thiết bị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.
Cấp xã và ở các thôn, khu phố, theo thống kê đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 76 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa độc lập (chiếm 47,2%), trong đó có 18 nhà văn hóa đã xuống cấp; 82 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng nhà văn hóa (chiếm 51%); 03 xã chưa có nhà văn hóa (1,8%); 606 thôn, khu phố có nhà văn hóa độc lập (chiếm 71,2%); 192 thôn, khu phố sử dụng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hóa (chiếm 22,6%); 53 thôn, khu phố chưa có địa điểm sinh hoạt cộng đồng (chiếm 6,2%). Sau 04 năm triển khai Đề án, toàn tỉnh có 29 trung tâm văn hóa cấp xã xây dựng mới, 21 trung tâm văn hóa cấp xã được cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị; 136 nhà văn hóa thôn, khu phố xây dựng mới; 15 nhà văn hóa thôn được cải tạo, nâng cấp; hàng trăm nhà văn hóa thôn được đầu tư trang thiết bị hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 106 trung tâm văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 65,8%), 55 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng Trung tâm Văn hoá (chiếm 34,2%); 742 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 87,2%); 109 thôn, khu phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá (chiếm 12,8%).
Việc thực hiện Đề án xây dụng thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 đã góp phần từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Các Trung tâm Văn hóa xã, nhà văn hóa thôn xây dựng mới cũng như cải tạo nâng cấp, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nơi sinh hoạt chính trị, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương, nơi tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hoá này đang từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, đã khai thác có hiệu quả công năng và đáp ứng được nhu cầu của các địa phương.
Trong giai đoạn tới, các cấp, các ngành, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền về nội dung Đề án, vai trò ý nghĩa, nội dung hoạt động của thiết chế văn hóa. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung hoạt động văn hóa, phát triển các loại hình câu lạc bộ về văn hóa, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Huy động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa; khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí….
HC