KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/11/2020 - Lượt xem: 105
Hưng Yên chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Với phương châm xuyên suốt “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, tinh thần quyết tâm cao, cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, 100% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 10/10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với kết quả đó, ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về công nhân tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Ngày 24/11/2020, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã vinh dự và tự hào được nhận Bằng Công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Trong 10 năm qua, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, là một trong những phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng toàn xã hội, trong từng cán bộ, đảng viên, mỗi dân địa phương và cũng đã đem lại nhiều kết quả quan trọng. Xây dựng nông thôn mới, thời gian qua toàn tỉnh đã tiến hành đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa theo quy hoạch được gần 2.500 km các tuyến đường, với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng; kiên cố hóa, cải tạo, nâng cấp gần 400 km kênh mương, hàng nghìn cầu cống; xây dựng hơn 500 km đường dây trung thế, 810 trạm biến áp, gần 2.500 km đường dây hạ thế; cơ sở vật chất trường học được quan tâm, 3.675 phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố; xây mới 67 trung tâm văn hóa – thể thao xã, 300 nhà văn hóa thôn; đầu tư, bổ sung các trang thiết bị hoạt động cho các nhà văn hóa đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân; mạng lưới chợ trên địa bàn nông thôn tỉnh được xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp khang trang. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; tổ chức tốt các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa cấp tỉnh, cấp khu vực và tham gia các sự kiện thương mại quốc tế.
Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi hơn 15 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản hơn 12 nghìn ha, chuyển đổi đất bãi trồng màu sang trồng cây ăn quả khoảng 2.700 ha. Xây dựng được gần 500 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; 80 mô hình chuỗi sản phẩm an toàn; 1.230 ha đất sản xuất VietGap rau màu, cây ăn quả; công nhận 52 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGap; xây dựng 4 vùng VietGap ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ với 1.000 thành viên và 33 ha VietGap cho chăn nuôi. Thủy sản phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 45 nghìn tấn. Các hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh được đẩy mạnh và đạt kết quả khá; công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông sản được tích cực thực hiện; đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội chợ nhằm tiêu thụ nông sản. Đến nay, Hưng Yên đã xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo hộ trí tuệ cho 26 sản phẩm chủ lực đặc thù của tỉnh. Toàn tỉnh có 310 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, doanh thu bình quân năm 2019 của các hợp tác xã đạt 1,4 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân 358,6 triệu đồng/hợp tác xã. Tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chương trình kết nối tiêu thụ nông sản vào chuỗi bán lẻ hiện đại cho các hợp tác xã nông nghiệp các tỉnh phía Bắc, tạo điều kiện hình thành một số mô hình liên kết sản xuất  - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ.
Cùng đó, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào toàn thể hộ gia đình tại các cụm dân cư tiến hành định kỳ, hàng tuần tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và tổ chức trồng cây xanh, trồng hoa ven đường giao thông thôn, xóm để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các ban, sở, ngành tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại chỗ cho hơn 132 nghìn hộ gia đình; xây dựng các chi hội tự quản, những đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường. Chỉ trong khoảng 3 năm, toàn tỉnh đã trồng được hàng nghìn tuyết, đoạn, đường hoa với chiều dài hàng trăm km, có giá trị chục tỷ đồng. Rác thải sinh hoạt được các tổ vệ sinh thu gom đến khu tập kết, bãi chôn lấp rác thải. Toàn tỉnh có 5 khu dân cư, đô thị xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 85% cơ sở chăn nuôi xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải ra ngoài môi trường bằng hầm biogas, đệm lót sinh học, ủ phân; tỷ lệ người nông dân thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch từ nguồn tập trung là 76,2%.
Hệ thống chính trị và quốc phòng, an ninh ở cơ sở được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn ngày càng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ; 100% các xã, phường, thị trấn có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; 100% đảng bộ cấp xã được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quy định; 100% chính quyền cấp xã đều đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đều được đánh giá, công nhận danh hiệu tiên tiến trở lên. Công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện tốt, không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, mỗi tháng đều có ít nhất 2 chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn; 100% người cao tuổi khi ốm đau được khám chữa bệnh và được hưởng chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, ổn định, chưa phát hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động chống phát Đảng, Nhà nước; tình hình khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài trái pháp luật không còn phức tạp và cơ bản được giải quyết ổn định; trên địa bàn không có băng, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội, hoạt động tội phạm và trật tự xã hội đã giảm. Đến tháng 12/2019, 100% công an chính quy đã về đảm nhiệm chức danh Công an xã, góp phần đảm bảo an ninh  chính trị - trật tự an toàn xã hội và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngay từ cơ sở đạt hiệu quả cao, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân khen ngợi.
Đến nay, diện mạo nông thôn Hưng Yên khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Kết quả đạt chuẩn nông thôn mới tăng mạnh trong giai đoạn 2016 đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng đã hoàn thành trước thời hạn. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Từ xã đến thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, chăm sóc sức khỏe… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất, thu nhập của người dân nông thôn được nâng lên và thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình đến điều kiện ăn ở. Sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt. Nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về quy mô và trình độ sản xuất. Nông nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh trong và ngoài nước, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Cơ cấu sản xuất từng ngành nghề được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của tỉnh gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường. Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hoàn thành, phát triển, hiệu quả cao. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được đảm bảo. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống được bảo tồn, duy trì và phát triển. Công tác thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan được thực hiện tốt đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc. Công tác đảm bảo an ninh trật tự được giữ vững, việc phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới, các hoạt động tương thân tương ái được tuyên truyền và thực hiện rộng rãi.
Trong thời gian tới, HưngYên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong giai đoạn 2010 - 2020, đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
TN
Tin liên quan