Ngày 4.6, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh.
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên |
Năm 2020, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường với những yếu tố cực đoan, bất thường và khó dự báo, cảnh báo đã gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống dân sinh. Tại Việt Nam, đã xảy ra 16/21 loại thiên tai. Trong đó, có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là gần 40 nghìn tỷ đồng. Thiên tai làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của người dân, cản trở giao thương...
Công tác PCTT được các cấp, ngành và người dân thực hiện chủ động, kịp thời và hiệu quả. Công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các kịch bản cụ thể được quan tâm chỉ đạo và thực hiện; các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát an toàn thiên tai; công tác truyền thông về PCTT được thực hiện thường xuyên. Năng lực ứng phó với thiên tai gồm: Công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai; hệ thống công trình phòng, chống thiên tai... được nâng cao. Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Năm 2021, dự báo xuất hiện từ 12 – 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó, 5 – 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Để chủ động ứng phó với mọi tình huống, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN một cách cụ thể, chi tiết sát thực; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan; tiếp tục củng cố lực lượng, chuẩn bị các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra...
Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch PCTT và TKCN của tỉnh, trong đó lưu ý các phương án phù hợp với diễn biến, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19; không chủ quan, lơ là; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể của ngành, địa phương; tập trung kiểm tra, rà soát các công trình, phương tiện PCTT và TKCN mùa mưa bão; tích cực chỉ đạo xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, trục vớt vật cản trên sông trục bảo đảm thông thoáng trong tiêu úng. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần, kỹ thuật để chủ động trong công tác PCTT và TKCN; chỉ đạo bố trí cơ cấu, thời vụ sản xuất nông nghiệp hợp lý để tránh ảnh hưởng do thiên tai gây ra...
Nguồn: http://baohungyen.vn/