KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/08/2020 - Lượt xem: 92
Hưng Yên: Kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm; giữ được các nét văn hóa, lịch sử truyền thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.

 
Múa rồng tại Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (ảnh tư liệu)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 1.802 di tích với 322 lễ hội, trong đó: 02 di tích quốc gia đặc biệt, 165 di tích quốc gia, 227 di tích cấp tỉnh; các lễ hội thường được tổ chức vào mùa xuân. Tùy từng địa phương, lễ hội có quy mô khác nhau, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, xã. Một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội đền Phù Ủng (huyện Ân Thi); đền Đa Hòa, đền Dạ Trạch, đình Quan Xuyên (huyện Khoái Châu); đền Đậu An (huyện Tiên Lữ); các lễ hội dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) có lễ hội đền Mẫu, đền Trần; lễ hội Cầu mưa, chùa Thái Lạc (huyện Văn Lâm)...
Sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Để Chỉ thị số 41-CT/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, cùng với việc tích cực tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt; các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở và các cơ quan báo chí của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 41-CT/TW với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị, các buổi sinh hoạt đoàn thể...
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trực tiếp hướng dẫn cho 150 lượt tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh các dịch vụ văn hóa như: hướng dẫn trình tự đăng ký kinh doanh, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và ban tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của UBND các cấp theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ. Đồng thời, đầu tư phát triển các tuor, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; gắn du lịch văn hóa tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch đường sông và du lịch cộng đồng; triển khai thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo vật quốc gia; bảo quản và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển văn hóa du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Qua đó, góp phần đổi mới nội dung, hình thức tổ chức lễ hội; bảo đảm kinh phí được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả; công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực để tổ chức lễ hội; giảm tần suất và thời gian tổ chức các lễ hội, nhất là lễ hội có quy mô.
Lễ hội Đền Mẫu  (ảnh tư liệu)
Công tác quy hoạch lễ hội được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện; lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh bên cạnh các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, thu hút sự tham gia đông đảo của Nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội được đẩy mạnh; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng hoạt động văn hóa, lễ hội để trục lợi, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Công tác quản lý, thu chi tiền công đức trong các hoạt động lễ hội diễn ra công khai, minh bạch; bố trí hòm công đức khoa học, hợp lý; sắp xếp bàn ghi công đức và hướng dẫn khách đặt tiền đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức phục vụ việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong các lễ hội được triển khai thực hiện theo Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 của UBND tỉnh quy định về việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là các cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Điều 15 Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ban hành kèm theo Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 20/11/2019 của UBND tỉnh. Công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ được triển khai nghiêm túc, hiệu quả; tình trạng người bán chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, ăn xin, xem bói, hiện tượng trộm cắp di vật, cổ vật, đồ thờ tự tại các khu di tích, khu danh thắng được đẩy lùi; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm cho du khách và nhân dân khi tham gia các lễ hội. Trong các lễ hội, việc đốt vàng mã, dâng hương, đặt tiền công đức được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích.
 Hội thi cầu kiều trên hồ Bán Nguyệt   (ảnh tư liệu)
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc gắn với phát triển kinh tế, du lịch; những giải pháp giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm, triển khai thực hiện. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo 67 di tích quốc gia; 20 di tích cấp tỉnh; 130 lượt di tích, cụm di tích; tổng kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 80 tỷ đồng, ngân sách huyện 10 tỷ đồng, ngân sách xã trên 10 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 102 tỷ đồng). tổ chức được hơn 40 cuộc trưng bày; đón trên 8 vạn lượt khách tham quan Bảo tàng, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm, tưởng niệm danh nhân trên địa bàn tỉnh; sưu tầm hơn 2 nghìn tài liệu, hiện vật; phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh tiến hành điền dã, khảo sát thực tế, thống kê và số hóa 17.804 trang tài liệu Hán Nôm tại các làng, khu dân cư trên địa bàn các huyện; phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nghiên cứu và tiến hành khai quật khảo cổ học tại thành phố Hưng Yên. Đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên toàn tỉnh; lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để nghiên cứu, lưu trữ lâu dài. Tỉnh có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Ca trù, Trống quân, Hát chèo, Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hát Trống quân Hưng Yên được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật hát Ca trù, Trống quân cho hơn 1 nghìn lượt hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức biểu diễn nhiều chương trình đặc sắc giới thiệu nghệ thuật Ca trù, Trống quân, Chầu văn phục vụ Nhân dân; tham gia các hội thi, hội diễn do Trung ương tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.
Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội đã được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, an toàn và tiết kiệm, hiệu quả; các hoạt động diễn ra trong lễ hội phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy lùi và ngăn chặn các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo trong thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”. Đổi mới hình thức tuyên truyền; Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa của tỉnh trong tiến trình giao lưu, hội nhập quốc tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, thu lợi bất chính và các hoạt động giải trí không lành mạnh; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
 
Ngọc Điệp
Tin liên quan