Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010, của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, công tác tuyên truyền, đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh.
Sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Để Chỉ thị số 46-CT/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, cùng với việc tích cực tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng; tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ; các cuộc thi… Các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục và sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở để phản ánh gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 46.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã quan tâm công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thanh thiếu nhi; chủ động xây dựng kế hoạch, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Việc giáo dục chính trị tư tưởng thông qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, các hội nghị báo cáo viên, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác Đảng…; trung tâm chính trị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy 10 năm qua (2010-2020) đã mở 239 lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho 21.210 học viên, 165 lớp đảng viên mới cho 15.247 học viên, 82 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 3.615 học viên; mở nhiều lớp chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng... Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã xét, cử trên 7 nghìn lượt học viên tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và gần 67 nghìn lượt học viên bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới. Đến nay, 100% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học trở lên, tỷ lệ trên đại học chiếm 47,8%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chiếm 91,92%.
Các ngành chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện Văn Lâm
(Ảnh tư liệu, nguồn: Báo Hưng Yên)
Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo kiện toàn, tổ chức có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa (BCĐ 94); Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (BCĐ 35) các cấp; tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 02/01/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và của Tỉnh ủy về văn hóa, văn học, nghệ thuật; … gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Nhận thức sâu sắc việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Xây dựng cơ quan văn hóa”; “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước”... phát triển sâu, rộng và nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 357.157/390.336 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 91,5%; 753/851 làng, khu phố văn hóa, đạt 88,5%; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-CTUBND ngày 17/5/2018 về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019-2022. Việc quy hoạch xây dựng nghĩa trang được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có gần 70% số thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; 100% thôn, làng và các khu dân cư xây dựng nghĩa trang Nhân dân đồng bộ; 100% các làng, khu phố văn hoá xây dựng hương ước, quy ước trong đó có nội dung về nếp sống văn hoá.
Song song với đó, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 09 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hoá (đạt 90%) (huyện Văn Giang đã có quy hoạch xây dựng); 10/10 huyện, thị xã, thành phố có thư viện; toàn tỉnh có 106 Trung tâm Văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 65,8%); 55 xã, phường, thị trấn sử dụng hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã kiêm chức năng Trung tâm Văn hoá (chiếm 34,2%); 742 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 87,2%); 109 thôn, khu phố dùng các thiết chế khác kiêm chức năng nhà văn hoá (chiếm 12,8%); Các giá trị văn hóa trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được phát huy. Dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người hoạn nạn, giảm nghèo bền vững, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập... đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, góp phần phát triển văn hóa - xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngành Giáo dục đã thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa học đường, các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa gắn với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; lồng ghép một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; lồng ghép các nội dung văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong trường học. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong tỉnh xây dựng kế hoạch chuyên đề kết hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới". Qua các phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã tạo động lực, định hướng cho thanh niên trong các lĩnh vực phát huy được thế mạnh của mỗi lĩnh vực, cùng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đó cũng là môi trường để đoàn viên thanh niên rèn luyện, tự giáo dục bản thân hướng đến các giá trị chân, thiện, mĩ cũng như tăng cường kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Công tác vận động văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật nhằm định hướng thẩm mỹ trong các tầng lớp Nhân dân được quan tâm chú trọng. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, chủ đề gắn với tình yêu quê hương, đất nước, con người Hưng Yên, sự nghiệp đổi mới và phát triển, nêu gương người tốt, việc tốt... 10 năm qua, đã có hàng trăm lượt hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh được hỗ trợ sáng tạo và công bố tác phẩm. Cùng với đó, nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật được tổ chức. Ngoài ra, Hội VHNT tỉnh còn tổ chức nhiều chuyến đi thực tế, viết bài tại các địa phương trong tỉnh.
Nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội VHNT tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam, Hội báo xuân với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như trình diễn thơ, trưng bày thơ, ngâm thơ, hát ca trù, múa lân, trống hội, viết thư pháp. Trong 10 năm qua, Nhà hát Chèo Hưng Yên biểu diễn chuyên nghiệp 700 buổi; Thực hiện nhiệm vụ chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của đất nước và địa phương, Rạp Phố Hiến đã tổ chức gần 6.500 buổi chiếu phim; Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh tổ chức 20 cuộc triển lãm, trưng bày tranh, ảnh và 50 cuộc lưu động có chủ đề phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh; Thư viện tỉnh tổ chức 16 cuộc triển lãm, trưng bày sách/năm và tổ chức 01 đợt luân chuyển sách/năm; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận gần 500 đơn vị biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh về biểu diễn phục vụ Nhân dân trong tỉnh.
Công tác quản lý thông tin báo chí, xuất bản được chú trọng. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, ban hành các văn bản quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyên thông, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp rà soát, kịp thời chấn chỉnh công tác báo chí, phát thanh truyền hình. Hoạt động xuất bản có những chuyển biến tích cực, thực hiện tốt việc hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép xuất bản, tài liệu của các cơ quan, tổ chức trong tỉnh xin cấp phép đều được thẩm định kỹ trước khi cấp phép xuất bản. Từ năm 2010 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp hơn 1.000 giấy phép các loại. Các ấn phẩm có nội dung phong phú, bổ ích, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền cho Nhân dân, không có nội dung vi phạm pháp luật.
Công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được thực hiện nghiêm túc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các lực lượng chức năng, các đoàn thể liên quan duy trì có hiệu quả các đợt kiểm tra liên ngành trên lĩnh vực văn hóa; thường xuyên thực hiện tốt công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đảm bảo hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa đúng định hướng. Cụ thể: Năm 2014, kiểm tra tại 05 cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc thu giữ 530 đĩa ca nhạc, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát theo quy định; năm 2015, kiểm tra 16 cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc, thu hồi 2.257 đĩa phim không dán tem nhãn kiểm soát theo quy định, thu giữ 15 ấn phẩm lồng ghép chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày bán tại một số lễ hội; Năm 2019, tiến hành 02 cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh lĩnh vực văn hóa và du lịch gồm 35 cơ sở lưu trú du lịch; 58 nhà hàng kinh doanh karaoke…
Mặt khác, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm, qua đó nhằm phát hiện hành vi in lậu, photocopy các xuất bản phẩm, ấn phẩm có nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tính giáo dục, thẩm mỹ, tư tưởng và an ninh quốc gia... để thu hồi, xử lý. Từ năm 2010 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện 446 lượt thanh tra, kiểm tra; tịch thu, tiêu hủy hơn 600 xuất bản phẩm; tịch thu 01 máy photocopy màu vi phạm quy định về mục đích sử dụng; xử phạt 17 tổ chức, 08 cá nhân với số tiền xử phạt từ 2010 đến nay là 102.666.000 đồng; Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành 485 lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh, xử phạt 01 tổ chức, 250 cá nhân với tổng số tiền 205.550.000 đồng...
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW với Chỉ thị 42-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030”; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/4/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị.
Nguyễn Liên