Sau khi có Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị tới đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 08-CT/TW cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW tại địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đánh giá bước đầu triển khai thực hiện, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1076-TB/TU ngày 25/3/2014 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW.
Hoạt động nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP được tăng cường. BCĐ liên ngành ATTP từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn thường xuyên đảm bảo hoạt động phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn khác liên quan đến vấn đề ATTP. 100% Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn hoạt động theo chương trình kế hoạch; 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách và kiêm nhiệm ATTP được tập huấn kiến thức về lĩnh vực ATTP. Từ 2011 đến nay, ngành Y tế đã tiến hành tổ chức được 234 đoàn kiểm tra, giám sát và lấy mẫu hậu kiểm, trong đó: 46 đoàn liên ngành, 188 đoàn do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức triển khai. Tổng số cơ sở được kiểm tra: 4744 cơ sở, trong đó: 3142 cơ sở đạt (chiếm 66,23%), 1602 cơ sở vi phạm (chiếm 33,77%), 439 cơ sở bị phạt tiền, số tiền thu nộp ngân sách là 1.987.725.000 đồng, 80 cơ sở bị yêu cầu tiêu hủy sản phẩm, 5 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm, 9 cơ sở yêu cầu khắc phục về nhãn, 7 cơ sở yêu cầu tạm dừng hoạt động. Các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát mối nguy đã tiến hành lấy 5.053 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm, 4.700 mẫu đạt chiếm 93,01%, 353 mẫu không đạt chiếm 6,99%. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 213 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP phẩm nông lâm thủy sản tại 7.067 lượt cơ sở, trong đó: kiểm tra điều kiện tại 2.235 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATTP tại 4.832 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản. Đồng thời, lấy 2.952 mẫu sản phẩm vật tư nông nghiệp, 6.941 mẫu sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản để kiểm tra chất lượng và một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, kết quả 294 vật tư nông nghiệp, 949 mẫu sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo chất lượng ATTP. Đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 506 cơ sở vi phạm về điều kiện ATTP, chất lượng hàng hóa, sử dụng chất cấm. Ngành Công Thương tỉnh thành lập tổng số 91 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó có: 23 đoàn của Sở và 68 đoàn của Chi cục Quản lý thị trường. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với 1.792 cơ sở; trong đó: phát hiện 478 cơ sở vi phạm, xử lý phạt tiền đối với 425 cơ sở; tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn như: bánh, kẹo các loại, bột ngọt... và thịt, gia súc, gia cầm các loại. Tỉ lệ siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm là 100%.
Công tác thông tin, truyền thông giáo dục kiến thức về ATTP được đẩy mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú với số lượng cụ thể như sau: Ngành Y tế tỉnh đã tổ chức 193 lớp tập huấn, hội nghị với 14.099 lượt người tham gia; tổ chức 135 buổi nói chuyện, tuyên truyền trực tiếp chuyên đề đảm bảo ATTP với 9.754 lượt người tham dự; in ấn, cấp phát 300.034 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, poster, pano tuyên truyền; tổ chức 08 buổi lễ hưởng ứng Tháng hành động hàng năm với khoảng 3.454 lượt người tham dự... Đồng thời, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hưng Yên, các cơ quan báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện 400 phóng sự, chuyên đề về đảm bảo ATTP; 672 tin, bài in trên Báo Hưng Yên, tạp chí, báo ngành, website của trung ương. Ngành Công thương tỉnh treo 370 băng rôn, khẩu hiệu về ATTP tại các cơ sở thực phẩm, siêu thị và chợ vào dịp Tết, mùa Lễ hội và Tháng hành động; có 05 bài viết giới thiệu văn bản pháp luật và công tác ATTP của ngành trên bản tin Công thương tỉnh Hưng Yên. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tổ chức trên 3.600 lớp tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, hướng dẫn về chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy sản, tập huấn xây dựng dự án biogas, chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc, chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, bò thịt chất lượng cao, nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực, các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho trên 138.000 lượt người tham dự; phối hợp với các Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức các lớp phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu... cho trên 100 lượt cán bộ, công chức trong tỉnh. Đồng thời, in ấn và phát hành 486 bộ tài liệu về ATTP, thanh tra trên 2.700 băng đĩa tuyên truyền về ATTP, 55 phóng sự, sản phẩm truyền thông, báo tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm rau, cá, thịt an toàn, trên 90.000 tờ quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ATTP... Các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật bằng các hình thức đa dạng, phong phú.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến các nhiệm vụ KH&CN hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo VSATTP như chỉ đạo Sở Công thương tốt Đề án “Xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP ” tại chợ Gạo - Thành phố Hưng Yên (2012). Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm soát các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến các vấn đề ATTP, như: ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất khép kín, phương pháp sản xuất mới (thủy canh, tưới nhỏ giọt,..) góp phần giảm thiểu liều lượng, tần xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phòng trị bệnh dịch...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công tác ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định: Một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đưa công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thành một nhiệm vụ, một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém; việc kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP chưa kịp thời; hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP chưa kiên quyết, nhất là tại tuyến huyện, xã; hệ thống phát hiện và cảnh báo nhanh mối nguy về ô nhiễm thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn nhiều thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường...
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong thời gian đến, tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP, chỉ đạo đưa tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP; kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định…
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP, Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW, các văn bản pháp luật có liên quan, giúp người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán, thói quen ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nòi giống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc triển khai công tác đảm bảo ATTP, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo qui định của pháp luật; kịp thời công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện xã hội về quản lý, giám sát đảm bảo ATTP; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá và đề xuất các giải pháp trong công tác quản lý hệ thống đảm bảo ATTP, các biện pháp can thiệp nhằm cải thiện tình trạng mất ATTP; xây dựng đề án phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, tiếp tục đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo ATTP. Xây dựng hệ thống kiểm nghiệm ATTP đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của người dân và công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Xuân Trường