Hưng Yên đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phát để tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Thị xã Mỹ Hào là địa phương đầu tiên trong tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới
Năm 2019, kinh tế của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng kinh tế đạt 9,72% (cao hơn cả nước 7,02%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ lệ 92%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 74 triệu đồng/năm; là một trong 8 tỉnh hoàn thành 100% số xã chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo còn 1,9% (thấp hơn mức bình quân cả nước 4%).
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 quý I năm 2020, tăng trưởng đạt gần 7%. Hưng Yên là một điểm sáng trong duy trì tăng trưởng cao mà ít địa phương đạt được.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Hưng Yên còn một số hạn chế cần khắc phục: Quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; cơ sở hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới cần đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để Hưng Yên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Cụ thể, tỉnh phải phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hưng Yên không chỉ là tỉnh phát triển về kinh tế, còn là tỉnh văn hóa của vùng Bắc Bộ, đặt mục tiêu phát triển toàn diện để Hưng Yên trở thành một trong những địa phương đi đầu trong vùng và cả nước, đóng góp xây dựng một Việt Nam hùng cường; đẩy mạnh phát triển các ngành: Giao thông vận tải, công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp dịch vụ (logistics, du lịch, vận tải...); đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp.
Đưa Hưng Yên là tỉnh NTM năm 2020
Đồng thời, tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; hoàn thành 100% cấp huyện đạt nông thôn mới, đưa Hưng Yên là tỉnh nông thôn mới năm 2020.
Đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để từng bước đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Hưng Yên phải làm nổi bật bản sắc văn hóa, các lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh, lễ hội và đặc sản địa phương để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch trong khu vực; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch - du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn. Nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% thậm chí 0,5%. Đẩy mạnh xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tu bổ, bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, di tích lịch sử, hệ thống đền chùa, các làng nghề truyền thống.
Cùng với đó là phát triển đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng Hưng Yên trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, sạch đẹp, hấp dẫn để thu hút người tài về sống và lập nghiệp. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường...
Nguồn: chinhphu.vn