Tại kỳ họp thứ Mười một vừa qua, HĐND tỉnh Hưng Yên đã biểu quyết đồng thuận thông qua Nghị quyết về việc quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố. Quyết sách này nhằm góp phần thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy, khuyến khích việc bố trí kiêm nhiệm chức danh, bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ và tăng thu nhập cho người tham gia trực tiếp kiêm nhiệm nhiều công việc…
Chức danh nhiều, cán bộ đông
Hưng Yên có 139 xã, 14 phường và 8 thị trấn. Theo phân loại cấp xã thì có 9 đơn vị cấp xã loại I, 83 đơn vị cấp xã loại II, 69 đơn vị cấp xã loại III, trong đó có 12 xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Toàn tỉnh có 741 thôn và 91 tổ dân phố; trong đó có 323 thôn, tổ dân phố dưới 350 hộ gia đình; 509 thôn, tổ dân phố có trên 350 hộ gia đình và thôn thuộc xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Có 829 thôn, tổ dân phố có 1 chi bộ Đảng, 3 thôn có 2 chi bộ.
Hiện nay, các chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã; thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau: Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 26 chức danh; cấp xã loại I không quá 12 người, cấp xã loại II, III không quá 11 người; xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự bố trí thêm 2 công an viên thường trực ở xã.
Tổng phụ cấp hàng tháng hiện nay đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã loại I là 18,5; cấp xã loại II và cấp xã loại III là 16,0 lần mức lương cơ sở/xã. Phụ cấp đối với chức danh kiêm nhiệm được áp dụng cho tất cả các đối tượng là 0,3 mức lương cơ sở cho mỗi chức danh kiêm nhiệm.
Ở thôn, tổ dân phố, bình quân số người hoạt động không chuyên trách hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng là 14,4 người/thôn, tổ dân phố, trong đó đã gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Trong đó, thôn có 13 chức danh, tổ dân phố có 17 chức danh. Tổng phụ cấp hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố loại I là 12,15; cấp xã loại II là 7,05; cấp xã loại III là 6,5 lần mức lương cơ sở/thôn, tổ dân phố, riêng với thôn có nhiều chi bộ cộng thì được cộng thêm...
Về khoán kinh phí hoạt động, ban công tác mặt trận và mỗi tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố được khoán kinh phí hoạt động là 2.000.000 đồng/năm; được bố trí vào định mức chi hoạt động thường xuyên cấp xã...
Giảm số lượng chức danh và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; thôn, tổ dân phố
Tại kỳ họp thứ Mười một vừa qua, HĐND tỉnh khóa XVI thông qua Nghị quyết về việc quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, một số nội dung có hiệu lực ngay khi nghị quyết được thông qua như: Mức phụ cấp, mức bồi dưỡng và tỷ lệ % được hưởng khi thực hiện bố trí, sắp xếp kiêm nhiệm chức danh theo quy định...
Theo đó, ở cấp xã, bố trí mỗi xã, phường, thị trấn 24 chức danh người hoạt động không chuyên trách, giảm 2 chức danh so với hiện nay là phó trưởng công an và công an viên. Số lượng người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể: xã loại I bố trí tối đa 12 người, xã loại II bố trí tối đa 11 người, xã loại III bố trí tối đa 10 người.
Thực hiện khoán kinh phí hoạt động đối với ủy ban MTTQ, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh cấp xã là 500.000 đồng/tổ chức/tháng.
Ở thôn, tổ dân phố có 3 chức danh hoạt động không chuyên trách, gồm: Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không quá 3 người...
Mức phụ cấp hàng tháng của các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được phân theo mức đối với tổ dân phố; thôn có dưới 350 hộ gia đình và thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT...
Ngân sách nhà nước thực hiện khoản quỹ phụ cấp để chi trả phụ cấp hàng tháng bao gồm cả phần đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố theo quy định của luật bảo hiểm xã hội (khi người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân còn trong độ tuổi và có nguyện vọng tham gia đóng bảo hiểm xã hội).
Theo Nghị quyết, mỗi đối tượng được kiêm nhiệm không quá 2 chức danh và được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp chức danh kiêm nhiệm thứ nhất, và từ 70-100% mức phụ cấp (mức bồi dưỡng) của chức danh kiêm nhiệm thứ hai tùy từng nhóm đối tượng…
Khi triển khai thực hiện Nghị quyết này, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đều giảm so với thực tế hiện nay. Từ đó góp phần thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy, khuyến khích việc bố trí kiêm nhiệm chức danh, bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ và tăng thu nhập cho người tham gia trực tiếp kiêm nhiệm nhiều công việc…
Nguồn: baohungyen.vn