KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/12/2019 - Lượt xem: 128
Hướng tới một nền phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn (*)

(Bài phát biểu của đồng chí VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

Nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh, nhà thơ Lê Minh Đạt, nhà nghiên cứu Trần Thiện Khanh,
GS Nguyễn Văn Hạnh tại Hội nghị những người trẻ viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía bắc.
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa các nhà khoa học và các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Ðảng, tôi trân trọng gửi tới quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, anh chị em văn nghệ sĩ và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, phấn đấu đạt nhiều thành tựu mới trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật!
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa các nhà khoa học và các đồng chí,
Như chúng ta đã biết, phê bình là một lĩnh vực, một bộ môn có vai trò rất quan trọng trong sự vận động, phát triển của văn nghệ nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Có thể xem phê bình văn học, nghệ thuật là "cánh chim song đôi", là người bạn đồng hành để thấu hiểu, đồng cảm, góp phần điều chỉnh, định hướng cho sáng tác. Ðồng thời, phê bình cũng là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến sự lựa chọn thẩm mỹ của công chúng văn nghệ. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển với nhiều bước thăng trầm, phê bình văn học, nghệ thuật hiện đại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn, tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đến thị hiếu, nhu cầu và trình độ thẩm mỹ của công chúng, đến công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn nghệ yêu nước và nhân văn, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Từ khi thành lập Ðảng đến nay, Ðảng ta luôn quan tâm và tạo điều kiện cho sự phát triển lĩnh vực đặc thù này. Bước vào thời kỳ Ðổi mới, ngay sau khi có Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI vào năm 1987, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 08 tháng 6 năm 1989, Về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật. Từ đây, trong nghị quyết của các kỳ Ðại hội đại biểu toàn quốc và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn nghệ, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, và gần đây nhất là Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Ðảng ta luôn nhất quán khẳng định: phát triển phê bình là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết quan trọng đó, nhiều vấn đề của thực tiễn hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật đã và đang đặt ra, đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải đáp. Tôi hoan nghênh Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn chủ đề rất cần thiết này để tổ chức hội thảo. Ðây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, anh chị em văn nghệ sĩ cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có dịp cùng nhau bàn thảo, phân tích, làm rõ thực trạng cùng nguyên nhân, từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn nghệ của chúng ta trong tình hình mới.
Tôi vui mừng được biết, trong điều kiện đời sống văn học, nghệ thuật không ngừng vận động, biến đổi với nhiều xu hướng, trường phái cùng tồn tại; với sự tiếp xúc, giao lưu ngày càng sâu rộng, công tác phê bình đã góp phần phát hiện, định hướng, giới thiệu đến công chúng những giá trị văn học, nghệ thuật mới cả ở trong nước và nước ngoài. Trước những nỗ lực cách tân về nội dung, hình thức nghệ thuật, phê bình ít nhiều đã giữ được vai trò là "con mắt xanh", kịp thời khích lệ những tìm tòi, sáng tạo và củng cố niềm tin, cổ vũ dũng khí đổi mới ở người sáng tác. Nhìn một cách tổng thể, phê bình văn học, nghệ thuật đã từng bước khắc phục được lối phê bình xã hội học dung tục, võ đoán, quy chụp, góp phần định hướng sáng tác và tiếp nhận của công chúng; giúp những người lãnh đạo và quản lý có cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về các hiện tượng văn học, nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong khi những bất cập và hạn chế từ lâu còn tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp, khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Ðiện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,... diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra, nhưng các giải pháp khắc phục chưa thật sự hiệu quả. Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, chẳng những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận, mà còn làm tăng nguy cơ lệch chuẩn, loạn chuẩn giá trị trong đời sống văn nghệ. Môi trường sinh hoạt phê bình thiếu vắng tinh thần khoa học, tranh luận và đối thoại, vốn là một trong những đặc trưng bản chất của phê bình. Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, thì nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa phản ứng kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải, những biểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự "quay lưng" của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.
Thưa các đồng chí,
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những cơ hội to lớn và cả những thách thức gay gắt trong quá trình phát triển, đã và đang đặt ra cho phê bình văn nghệ những yêu cầu mới. Nhiệm vụ nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, trình độ thẩm mỹ, vốn hiểu biết thực tiễn sáng tác và thực tiễn cuộc sống nhằm đưa phê bình văn nghệ phát triển mạnh mẽ, đồng thời "kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật" như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã nhấn mạnh là rất cấp thiết.
Ðể nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật, chắc chắn không thể không bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình văn học, nghệ thuật là công việc khó khăn, nhọc nhằn, đòi hỏi người làm nghề phải hội tụ, kết tinh được cả tư duy khoa học và nghệ thuật, trí tuệ và cảm xúc, thật sự nhạy bén và có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện, đánh giá đúng và trúng những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống văn nghệ. Vì vậy, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu đang gánh vác trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà phê bình cần đặt mục tiêu từng bước tiệm cận với trình độ của thế giới và phải giữ vững bản sắc riêng, lấy đó làm cơ sở, phương hướng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình và hoạt động giảng dạy, học tập. Tôi biết những năm gần đây, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương theo nhiệm vụ được giao đã liên tục mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ lý luận, phê bình cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và hoạt động văn học, nghệ thuật ở nhiều địa phương, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, không thể thay thế hoạt động đào tạo ở các nhà trường và các viện nghiên cứu.
Chúng ta cần thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu tự do sáng tác phải gắn liền với tự do phê bình. Cần củng cố và phát huy không khí phê bình lành mạnh, dựa trên tinh thần tôn trọng khác biệt và đối thoại, tranh luận dân chủ, khách quan, trung thực về mọi vấn đề đặt ra trong đời sống văn nghệ. Kiên quyết khắc phục lối phê bình dung tục, cực đoan, quy chụp, nhưng đồng thời cũng cần khẩn trương ngăn chặn tình trạng nể nang, né tránh, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình. Xuất phát từ tính chất đặc thù của công việc phê bình văn học, nghệ thuật, chúng ta mong đợi và đòi hỏi cao nhưng không khắt khe, định kiến, mà cần bao dung, kiên nhẫn, ngay cả với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những nhà phê bình trẻ.
Tôi được biết, một số trường đại học đào tạo chuyên ngành lý luận, phê bình văn học nghệ thuật và khoa học xã hội-nhân văn đang rất khó khăn, thậm chí "đầu vào" trống vắng so với nhiều ngành nghề khác. Trong khi đó, "đầu ra" cho công việc và chế độ đãi ngộ lại hết sức eo hẹp, không tương xứng với lao động nghề nghiệp của các nhà phê bình. Cho đến nay, chắc không còn mấy người có thể sống thuần túy bằng nghề viết phê bình văn học, nghệ thuật. Ðó là sự thật mà chúng ta buộc phải đối diện, không thể né tránh. Tại hội thảo này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, tư vấn giúp Ðảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, và đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng.
Thưa các đồng chí,
Để góp phần chấn hưng phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, một nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Ðảng đã đề ra. Với quan điểm rộng mở trong giao lưu và hội nhập, trong thời gian vừa qua, hầu hết các lý thuyết văn nghệ nước ngoài đã được giới thiệu, tiếp nhận và vận dụng ở nước ta với các mức độ khác nhau. Những nỗ lực đó đã mang đến bức tranh sinh động về lý thuyết, nhưng ở chiều ngược lại, việc tiếp thu có phần vội vàng, chưa thực sự hệ thống, cẩn trọng, kỹ lưỡng trên tinh thần đối thoại, đã khiến cho tư duy lý luận chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của đời sống văn nghệ. Những vấn đề cốt lõi của lý luận, như mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại, giữa văn nghệ và chính trị, giữa văn nghệ và hiện thực, giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, giữa hoạt động sáng tạo và tiếp nhận,... khi được kiến giải thấu đáo sẽ tạo cơ sở, tiền đề và là nguồn sinh lực mới cho hoạt động phê bình.
Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, tôi mong rằng các nhà phê bình hãy tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật. Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng. Hơn bao giờ hết, mỗi văn nghệ sĩ cần nêu cao ý thức trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng, đòi thoát ly sự lãnh đạo của Ðảng, đề cao và cổ súy những khuynh hướng sáng tạo không phù hợp với thực tiễn hiện nay và truyền thống văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó, văn nghệ sĩ thật sự góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng (chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ và phát triển mỹ học mác-xít với tinh thần khoa học và thuyết phục. Do vậy, việc không ngừng nâng cao tri thức, đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn, làm chủ các phương pháp phê bình hiện đại phải được đặt ra thành yêu cầu thường trực với mỗi nhà phê bình hiện nay.
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các nhà khoa học và các đồng chí,
Mặc dù những khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài là không nhỏ, nhưng tôi tin rằng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước và nhất là tâm huyết, khát vọng chung của giới văn nghệ hướng tới một nền phê bình văn học, nghệ thuật lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn, đủ sức đồng hành cùng nhau và được sự tin cậy của công chúng tiếp nhận, sẽ chính là nguồn sức mạnh, là cơ sở để chúng ta vượt lên khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh nghề nghiệp của mình, đạt những thành tựu mới.
Với tinh thần đó, chúng ta hy vọng được đón nhận bước phát triển mới của hoạt động phê bình văn nghệ, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn!
----------------------
 
(*) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan