KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/04/2017 - Lượt xem: 100
Khẳng định thương hiệu Festival nghề truyền thống quy mô và hấp dẫn nhất Việt Nam

 Festival nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra từ 28/4/2017 – 02/5/2017 với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống của Huế và các địa phương trên cả nước là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định nâng cao vị thế của Huế - Cố đô xanh – Di sản thế giới – Thành phố an toàn và thân thiện; đồng thời tôn vinh nghề truyền thống Việt và tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.

Tiếp tục phát huy thương hiệu và vị thế của thành phố Festival

Năm 2017 đánh dấu lần thứ 6 Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức. Qua mỗi kỳ tổ chức, thành phố Huế đã có được những kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa định hướng cho những lần tổ chức tiếp theo. 
Mục tiêu của Ban Tổ chức năm nay là tiếp tục phát huy thương hiệu và vị thế của TP Festival, tổ chức một lễ hội bảo đảm các yếu tố an toàn, tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả và để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Huế qua việc tôn vinh các nghề truyền thống, các nghệ nhân, các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, có giá trị văn hóa.
Lễ hội Áo dài - một trong những điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế 2017. Ảnh: BTC
Ông Nguyễn Đăng Thạnh - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 cho biết: Festival nghề truyền thống Huế 2017 là Festival có ý nghĩa tiếp tục khẳng định và tôn vinh thương hiệu của Festival Chuyên đề, nâng cao vị thế của thành phố Huế và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và công chúng, nhân dân cả nước. 
Áp lực tổ chức Festival những lần sau đòi hỏi thành phố phải đổi mới về quy mô và công tác tổ chức, thật sự phải thu hút được sự quan tâm không chỉ của nhân dân trong, ngoài tỉnh mà phải từng bước định hình và phát huy các yếu tố quốc tế, làm điểm nhấn đề Festival mang quy mô quốc gia và quốc tế, ông Thạnh cho biết.
Ông khẳng định, Festival Huế 2017 là Festival chuyên đề có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do thành phố tổ chức, tính quy mô thể hiện bằng số lượng các làng nghề về tham dự Festival với sản phẩm nghề ngày càng tinh xảo, mang đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền trên cả nước và các thành phố quốc tế. 
 
Làng nghề dệt Đũi Nam Cao. Nguồn: BTC
Tính quy mô của Festival lần này thể hiện ở số lượng lớn nghệ nhân tham dự đông đảo hơn so với mọi năm, tại không gian nghệ nhân và làng nghề có trên 320 nghệ nhân với hầu hết là các nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp tỉnh và những người thợ tài hoa, bàn tay vàng đến từ 40 làng nghề truyền thống, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huê.
Đây là con số ấn tượng mà BTC đã chủ động mời gọi, liên hệ và đề nghị tham gia nếu chưa kể đến các làng nghề, cơ sở nghề tự nguyện đăng ký tham gia sau khi nhận được thông tin quảng bá, giới thiệu của Ban Tổ chức trên hệ thống truyền thông, báo chí. Để đáp ứng được yêu cầu về bố trí địa điểm trưng bày, mua bán, đặc biệt là thao diễn nghề độc đáo, BTC đã lắp đặt 30 ngôi nhà rường với không gian và diện tích đáp ứng được công tác thao diễn, tạo hình sản phẩm, phục vụ du khách và nhân dân đón xem. 
 
Festival Huế 2017 là Festival chuyên đề có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn: chudu24.com
Khác với những kỳ tổ chức Festival trước, Festival nghề truyền thống Huế 2017 có sự đầu tư quy mô các chương trình nghệ thuật, việc bố trí thời gian, địa điểm các không gian diễn ra Festival trên địa bàn gắn liền với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch dịch vụ trong toàn tỉnh và ngoài tỉnh. 
Các chương trình nghệ thuật được tổ chức có quy mô lớn, đặc biệt là chương trình Lễ hội Áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và Áo dài” tại cầu Trường Tiền với ý tưởng gắn liền các tác phẩm nghệ thuật hội họa của 20 họa sĩ tên tuổi của Huế trên nền áo dài truyền thống qua sự thể hiện của 14 nhà thiết kế của Việt Nam; chương trình biểu diễn thời trang “Hội tụ bản sắc châu Á” giới thiệu các bộ sưu tập thời trang của 5 nhà thiết kế nước ngoài và các nhà thiết kế Việt Nam trên chất liệu vải truyền thống của Việt Nam; chương trình giới thiệu phim Hàn Quốc và ca nhạc do các nghệ sĩ Hàn Quốc biểu diễn. Đây cũng là lần đầu tiên tại Festival  có chương trình nghệ thuật ca nhạc của các ca sĩ và nhóm nhạc trẻ đến từ Hàn Quốc, chương trình chiếu phim Hàn Quốc trong suốt thời gian diễn ra Festival.
Ngoài ra, đồng hành cùng festival là các hoạt động hưởng ứng, thao diễn nghề độc đáo như giới thiệu các công đoạn đo, vẽ, cắt và may áo dài, biểu diễn các công đoạn tạo hình sản phẩm thủ công truyền thống và trưng bày cổ vật, triển lãm nghệ thuật sản phẩm thủ công quốc tế và Việt Nam diễn ra liên tục tại Festival nghề truyền thống lần này.
Đặc biệt, Festival 2017 có sự tham gia 04 thành phố quốc tế là Quận Dongnae (Hàn Quốc), thành phố Saijo, thành phố Takayama, thành phố Shizuoka (Nhật Bản) và 02 doanh nghiệp nước ngoài là Công ty Thêu Shue đến từ Nhật Bản và Công ty Lục Thuận Đại tử Sa đến từ Trung Quốc. 
 
Sản phẩm của Công ty Thêu Shue đến từ Nhật Bản tham dự Festival năm nay. Nguồn: BTC

Từng bước xã hội hóa việc tổ chức Festival 
Thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng theo hướng xã hội hóa và công chúng hóa và chuyên nghiệp hóa là một trong những mục tiêu Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 hướng đến để từng bước giảm dần kinh phí đầu tư của Nhà nước. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Thạnh chia sẻ, ngay từ đầu khi tổ chức Festival nghề truyền thống, BTC đã có kế hoạch từng bước hướng đến xã hội hóa, huy động đông đảo các doanh nghiệp, nghệ nhân, nghệ sĩ và công chúng tham gia. Qua từng kỳ tổ chức, phần tham gia xã hội hóa ngày càng tăng và giảm dần chi phí của ngân sách. Đồng thời đây còn là điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm với mục đích kinh doanh và tìm kiếm thị trường đầu tư. 
Festival 2017 đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các nhà tài trợ, hỗ trợ Festival kể cả về kinh phí, địa điểm lưu trú và cơ sở vật chất, hỗ trợ về tuyên truyền quảng bá Festival. Điểm mới trong xã hội hóa tại Festival lần này là ngay từ giai đoạn đầu của công tác tổ chức, Ban Tổ chức đã chủ động thông tin đến các làng nghề, cơ sở nghề dự kiến sẽ mời tham dự Festival về chủ trương không hỗ trợ kinh phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị…trong quá trình tham gia Festival. 
Đáp lại chủ trương này, các làng nghề và cơ sở nghề đã nhiệt tình hưởng ứng và sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn về kinh phí của Thành phố để đồng hành, góp phần vào thành công chung của mùa lễ hội.
Qua 6 kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đã khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng và du khách, là nơi hội tụ các nghệ nhân các làng nghề truyền thống trong cả nước và những nước trong khu vực Châu Á; lan tỏa sức sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm quý báu cho những làng nghề truyền thống.

 

Theo Cinet.vn

 

Tin liên quan