Ngay từ khi ra đời cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng dân tộc độc lập, Tổ quốc thống nhất, nhân dân tự do, hạnh phúc, đưa đất nước phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của cả dân tộc đã được khơi dậy, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để giành chiến thắng trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm ở thế kỷ XX. |
Trong bối cảnh mới, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện và cơ hội “chín muồi”. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, thời cơ, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả ở trong nước và trên thế giới. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ tư duy để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thời kỳ mới, trong đó có các trọng tâm đột phá sau:
Thứ nhất, phát huy tối đa nguồn lực con người.
Đảng nêu rõ: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(2).
Việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế chỉ thực sự thành công khi chúng ta tạo được môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất. Đồng thời, trong phát huy tối đa nguồn lực con người, phải thực sự lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; khơi dậy và phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Quan tâm đến nguồn lực con người cũng đồng nghĩa coi con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì thế, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chú trọng hơn nữa đến tính kịp thời, chính xác, thuyết phục của công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; quan tâm đúng mức, đồng bộ công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, một số vấn đề mới, khó, phức tạp cần phải được giải đáp kịp thời, sáng tỏ và khoa học...
Thứ hai, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực; tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”(3). Theo đó, trước hết, cần phải hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; làm cho kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiết kiệm, hiệu quả. Cải thiện chất lượng môi trường, nhất là môi trường sống; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch; tạo sự đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; nâng cao năng lực và trình độ công nghệ.
Đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội; giữa kinh tế với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thống nhất giữa Đảng và Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân. Xây dựng, vậnhành hệ thống pháp luật đồng bộ, nghiêm minh.
Thứ ba, phát huy cơ chế lựa chọn, đào tạo cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4). Muốn có “hiền tài” thì Đảng phải huấn luyện, đào tạo cán bộ để họ thực sự trở thành“nguyên khí của quốc gia”. Đảng đã xác định: “có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(5). Muốn thực hiện tốt vấn đề này, Đảng cần cụ thể hóa hơn nữa chủ trương về công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Việc thể chế hóa công tác cán bộ cần thống nhất giữa quy định của Đảng với pháp luật Nhà nước.Thứ ba, phát huy cơ chế lựa chọn, đào tạo cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Cần có đột phá về cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên nghiệp, chuyên sâu; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. |
Thứ tư, phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Mục tiêu tối thượng trong quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta hiện naylà bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Quan điểm này vừa nhằm thực hiện tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước, đồng thời thể hiện và khẳng định Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ.
Trong bối cảnh mới, đoàn kết quốc tế sẽ giúp cho chúng ta giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đặt ra trong các mối quan hệ quốc tế phức tạp, đặc biệt là hóa giải, biến những nguy cơ “đối đầu” thành “đối tác”. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp hiện nay, bên cạnh tinh thần đoàn kết dân tộc được khơi dậy và phát huy cao độcả ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, tình đoàn kết quốc tế với sự giúp đỡ chí tình của nhiều quốc gia đã và đang thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta. Qua đó nhân lên quyết tâm và niềm tin chiến thắng đại dịch của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại “vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng”(6).
Việc “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(7) cũng chính là thể hiện nhất quán quan điểm Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; vì mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Độc lập, tự chủ là cơ sở của nguồn sức mạnh nội sinh để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và tăng vị thế chủ động, tích cực trong quá trình hội nhập. |
Để phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần triển khai mạnh mẽ, tích cực ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; song phương và đa phương; toàn diện về chủ thể, địa bàn, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, phải “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(8). Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cần phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới sáng tạo, chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Thứ năm, quyết tâm khắc phục một số hạn chế, yếu kém.
Trước hết, khắc phục những hệ lụy nảy sinh trong quá trình giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến với những trào lưu văn hóa nước ngoài, thậm chí là những mưu đồ “xâm lăng văn hóa” “đồng hóa văn hóa”. Một mặt, chúng ta “tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(9). Mặt khác, phải chủ động chống lại những ý đồ, mưu toan lợi dụng giao lưu văn hóa để tác động vào đường lối, pháp luật, chính sách, hệ thống các quan điểm đạo đức, tâm lý xã hội; phá vỡ thuần phong mỹ tục của dân tộc ta; tạo nguy cơ đẩy văn hóa đạo đức truyền thống lùi về phía sau để chiếm đoạt lợi ích kinh tế.
Văn hoá được coi là “thẻ căn cước” khi tham gia vào quá trình hội nhập, mất đi “tấm thẻ” này không chỉ là đánh mất quyền lợi trong “cuộc chơi”, mà còn là đánh mất chính mình. Vì thế, để “hội nhập mà không hoà tan”, Đảng ta yêu cầu “phải khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”(10); “kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động ảng hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục. Đồng thời, chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh thiếu niên đối với các sản phẩm văn hóa ngoại lai độc hại”(11).
Hai là, khắc phục một số hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có những nội dung như, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng ở không ít nơi chưa nghiêm; thiếu tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình; công tác quản lý, rèn luyện đảng viên chưa chặt chẽ; việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên chưa thực chất...
Để “tiếp lửa” cho việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được thực hiện thực sự kiên quyết, thực sự chất lượng, thực sự hiệu quả từ trên xuống dưới. Theo đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước cần phải đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; quyết liệt hơn trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; “tăng cường đấu tranh chống các quan điểm phản đạo đức, phi đạo đức”(12)...
Ba là, khắc phục những hạn chế, yếu kếm về kinh tế - xã hội, trong đó có những hạn chế, yếu kém kéo dài, như: “Hoàn thiện thể chế; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”(13)...
Cần khẩn trương khắc phục tình trạng phát triển thiếu bền vững như: vì chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt mà tàn phá môi trường - khai thác tài nguyên, khoáng sản “bằng mọi giá”; yếu kém trong ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác thải; nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên vật liệu không đạt chuẩn về môi trường.
Khắc phục tình trạng kỷ cương, phép nước bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, nghiêm minh, chế tài xử lý không đủ sức răn đe, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn