Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn huyện Kim Động đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Hưng Yên, huyện Kim Động có 16 xã và 01 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên 103,320km2, dân số trên 117.734 người. Đảng bộ huyện có 40 chi, đảng bộ trực thuộc với 6.535 đảng viên. Với điều kiện địa lý thuận lợi, bức tranh kinh tế - xã hội huyện Kim Động ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Ngay sau khi Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/HU ngày 18/10/2010 về thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” và tổ chức quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và báo cáo viên của huyện. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quán triệt tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nay là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X) về đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030...
Nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng thông qua hội nghị, sinh hoạt của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, hội thi, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện và cơ sở, tuyên truyền trực quan... Trong 10 năm qua (2010-2020), Đài Truyền thanh huyện tuyên truyền được hơn 500 tin, bài về các văn bản chỉ đạo của các cấp về thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW; các quy định của pháp luật về bài trừ, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa” và các gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW... Trang thông tin điện tử huyện xây dựng các chuyên trang, chuyên mục gương người tốt, việc tốt, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị tới các chi hội, đoàn viên, hội viên, tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi văn nghệ quần chúng kết hợp với việc tuyên truyền về các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động trực quan bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú: panô, áp phích, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan tuyên truyền của huyện đã treo khoảng 15.000 chiếc băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh cổ động, cờ các loại… Thông qua đó, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp trong xã hội đặc biệt là thanh thiếu niên trong việc nâng cao nhận thức, bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hóa độc hại, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tuyên truyền được thông qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, hội nghị báo cáo viên... trong 10 năm, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Kim Động đã mở 23 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 2.043 học viên, 19 lớp đảng viên mới cho 1.497 học viên, 10 lớp sơ cấp chính trị cho 425 học viên và 05 lớp chuyên đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng cho 461 học viên. Từ năm 2014 đến nay, đã phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh mở 04 lớp Trung cấp lý luận chính trị cho 301 học viên… Qua đó, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Song song với đó, Ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện tốt một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội lồng ghép trong các môn học. Các trường học trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt cuộc vận động "mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học tự sáng tạo", "trường học thân thiện, học sinh tích cực"; đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể, tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa, tốt đẹp của dân tộc. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở Đoàn xây dựng kế hoạch chuyên đề kết hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới". Các hoạt động xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hiến máu tình nguyện, các chương trình tình nguyện hỗ trợ thanh thiếu nhi hướng về cộng đồng, các địa phương vùng sâu, vùng xa... đã thu hút đông đảo học sinh, đoàn viên, thanh niên lực lượng vũ trang tham gia. Huyện đoàn chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn duy trì trên trang Facebook và trang fanpage của đơn vị chuyện mục “mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; lựa chọn được nhiều gương đoàn viên thanh niên tiêu biểu. Phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, đến các bảo tàng, địa chỉ đỏ trong cả nước...
Quán triệt sâu sắc việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; các cấp ủy Đảng, cơ quan, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Năm 2010, toàn huyện có 29.290/32.011 gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ 91,5%, đến hết năm 2019 đã nâng lên 34.482/36.075 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 95%. Ngoài ra, phong trào xây dựng làng, thôn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa cũng được quan tâm thường xuyên: Năm 2010, có 80/93 làng đạt danh hiệu làng văn hóa chiếm tỷ lệ 86% thì đến hết năm 2019 có 80/81 làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá chiếm tỷ lệ 98,7% (nay còn 73 làng). Đã có trên 500 lượt cơ quan, đơn vị doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa lần đầu và 5 năm. Hàng năm, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan đơn vị văn hóa. Việc thực hiện các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, làng xã Việt Nam.
Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế, văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hiện nay, huyện đã xây dựng 01 nhà văn hóa Trung tâm huyện với tổng diện tích khoảng 1.800m2 với sức chứa khoảng 500 chỗ ngồi và 03 nhà luyện tập thể dục, thể thao đơn giản với tổng diện tích xây dựng là 7.441m2. Toàn huyện có tổng số 103 nhà văn hóa, trong đó 17 nhà văn hóa, hội trường xã, thị trấn; 86 nhà văn hóa thôn, 07 xã, thị trấn có khu hoạt động thể dục, thể thao bao gồm các công trình thể thao như sân vận động, sân tập thể thao; 09 xã xây dựng được nhà luyện tập TDTT; 06 xã có bể bơi, ao bơi và phao bơi. Thông qua các hoạt động đã tạo môi trường sống lành mạnh, có tác dụng giáo dục nhận thức, bồi đắp tình cảm, xây dựng con người mới, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tiến hành nghiêm túc trên địa bàn huyện. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể gắn xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, phối hợp thường xuyên giữa các ngành văn hóa, công an, giáo dục trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, phản bác các thông tin sai trái, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức 25 cuộc kiểm tra đối với các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trong đó có 09 cuộc phối hợp kiểm tra cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các đoàn kiểm tra của huyện đã tiến hành 16 cuộc kiểm tra. Phòng Văn hóa - Thông tin thường xuyên kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa phẩm trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện vi phạm và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 40 triệu đồng.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về "chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân được nâng lên. Trong thời gian tới, huyện Kim Động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
NL