KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 26/05/2020 - Lượt xem: 85
Kỳ họp thứ 9: Đảm bảo hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội

Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 25/5. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật trình lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, khoản.
Các nội dung tiếp thu tập trung vào các quy định: tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội; việc quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; không quy định hình thức văn bản kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Luật; đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban.
Dự án Luật bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 23 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.
Việc quy định ngay trong Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đáng chú ý, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 42, 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, ở địa phương còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với đại biểu Quốc hội nói chung, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ.
Hiện tại, ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong các văn bản của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội và phê chuẩn vào các chức danh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội (như về bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác, uy tín, độ tuổi...).
Nếu luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện này để áp dụng chung cho đại biểu Quốc hội thì không phù hợp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; đồng thời giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội tái cử...). Việc làm này nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu xứng đáng nhất làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, cần phải phải rà soát thật kỹ về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu rõ trong cả phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều nói về tiêu chuẩn đại biểu với yêu cầu đại biểu Quốc hội phải có ý thức chính trị chứ không chỉ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm. Vì thế, phải nghiên cứu thật sâu và thể hiện cho được vấn đề này.
Với tư cách cơ quan soạn thảo dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng Quốc hội có nhiều thành phần khác nhau, thành phần tự do cũng có. Do đó, nếu quy định vào luật về tiêu chuẩn “phẩm chất chính trị” cho đại biểu Quốc hội sẽ rất khó.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích Quốc hội đại diện cho các giai tầng, đối tượng khác nhau, các thành phần tôn giáo khác nhau. Do đó, rất khó có thể quy định về bản lĩnh chính trị như một tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
“Tinh thần chung là nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động hiệu quả của đại biểu Quốc hội chứ không cần phải ghi cụ thể vào luật," Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Liên quan đến cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, dự thảo Luật giữ cơ cấu Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành và quy định cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.
Theo quy định tại dự thảo Luật, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm./.
Tin liên quan