Đến dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Kể từ khi vở kịch nói “Chén thuốc độc” của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây 100 năm, đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu việc Việt hóa loại hình nghệ thuật tiếp nhận từ văn hóa phương tây, qua quá trình phát triển đã tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên kịch nói Việt Nam - loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, giúp sân khấu Việt Nam cân đối về thể loại, phong phú về nội dung phản ánh, hiện đại về nghệ thuật diễn tả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ.
Lễ kỷ niệm thu hút nhiều nghệ sĩ sân khấu kịch nói tham dự.
Nhiều tác phẩm kịch nói Việt Nam đã được bạn bè thế giới đánh giá cao qua nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi, liên hoan uy tín trên thế giới. Ngoài hàng trăm tác phẩm được sáng tạo liên tục trong suốt cả thế kỷ, kịch nói đã có được một lực lượng nghệ sĩ tài hoa, nhiệt huyết, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, hâm mộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền sân khấu cách mạng nói riêng, nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Trong xu thế hiện nay, do yêu cầu đổi mới và phát triển của của bản thân kịch nói, do đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của khán giả, sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng cần giải quyết nhiều vấn đề, thách thức lớn mà trước hết và quan trọng nhất là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, giá trị về nghệ thuật, kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo tác giả.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Trong 100 năm tồn tại, kịch nói Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng người xem vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Sân khấu kịch nhỏ đang xuất hiện mạnh mẽ ở TP Hồ Chí Minh được coi là giải pháp cứu nguy cho cuộc khủng hoảng khán giả kịch, tiếp đó hoạt động xã hội hóa của sân khấu kịch cũng được coi là giải pháp vãn hồi. Tuy nhiên, đến năm thứ 100 với đại dịch Covid-19 toàn cầu đã khiến sân khấu kịch càng khó khăn trong tiếp cận khán giả. Việc vực lại sức sống cho thể loại kịch sau 100 năm đang là thách thức của sân khấu Việt Nam hiện đại.
Trong bối cảnh ấy, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam để nhìn lại những trang sử vàng của sân khấu kịch nói nước nhà, giúp thế hệ hôm nay được soi rọi, tiếp lửa, tiếp bước thế hệ đi trước tích cực phấn đấu, phát huy sức sáng tạo để tỏa sáng trên sân khấu kịch nói Việt Nam.
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Việt Nam diễn ra từ ngày 21 đến 27/10/2021, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam”; công diễn một số vở kịch đặc sắc như: Chén thuốc độc (Tối 21/10, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); Người tốt nhà số 5 (tối 22/10, Nhà hát Kịch Việt Nam); Ai là thủ phạm (tối 24/10, Nhà hát Tuổi trẻ); Bạch đàn liễu (tối 25/10, Sân khấu Lucteam); Phải có ba đồng (tối 26/10, Nhà hát Kịch Hà Nội).
Nguồn: https://nhandan.vn/