Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên những năm 2010 - 2015 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam có bước phát triển mới tạo biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Cùng lúc, Quân chủng tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên biển. Qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành (07/5/1955 - 07/5/2015), Hải quân nhân dân Việt Nam có truyền thống vẻ vang, lập nhiều chiến công lớn trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ nhất là thành tích chống phong toả đường biển và các nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể bao gồm cơ quan cục và hai đơn vị trực thuộc là: C45 và C46, với quân số ban đầu có 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên. Nhiệm vụ của Cục Phòng thủ bờ bể là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Ngày 7/5/1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 322/NĐ thành lập Cục Hải quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Cục Phòng thủ bờ bể từ cơ quan nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của lực lượng hải quân.
Đến cuối năm 1963, lực lượng Hải quân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Sau gần 9 năm (5/1955 - 12/1963), Hải quân nhân dân Việt Nam đã có các lực lượng tàu tuần tiễu ven biển, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải, trinh sát và một số tàu phục vụ khác như tàu dầu, tàu chở nước, tàu đo đạc biển, trục vớt…, có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển; hệ thống cầu cảng, các đơn vị công binh công trình, lực lượng bảo đảm, phục vụ cùng với các cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng; hệ thống ra đa, đài trạm quan sát được bố trí dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Cửa Tùng. Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP-QĐ nâng cấp Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: “Chỉ huy, lãnh đạo xây dựng Quân chủng Hải quân, đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc”. Đảng ủy Cục Hải quân cũng được nâng cấp thành Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Trong giai đoạn này Quân chủng Hải quân cùng một lúc tiến hành nhiều nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khẩn trương, đương đầu với nhiều khó khăn thử thách ác liệt của chiến tranh, song đã giành nhiều thành tích vẻ vang và không ngừng trưởng thành, tiến bộ.
Trong giai đoạn 1964 -1975, Quân chủng Hải quân cùng một lúc tiến hành nhiều nhiệm vụ trong điều kiện đương đầu với nhiều khó khăn thử thách ác liệt của chiến tranh, song đã giành nhiều thành tích vẻ vang và không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Chuẩn bị tốt mọi mặt, ra quân đánh thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5/8/1964, tham gia chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ; làm nòng cốt trong chống phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ; tích cực vượt mọi khó khăn, gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam; tổ chức lực lượng đặc công hải quân, trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà; Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trực tiếp tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân lúc này là bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thống nhất. Từ năm 1976 - 1990, Quân chủng một mặt tiến hành điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh. Với ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo tích cực khắc phục khó khăn, Hải Quân nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng phát triển với nhiều thành phần lực lượng, trình độ tham mưu, tác chiến, làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự hải quân dần được nâng cao. Bản lĩnh chính trị của bộ đội không ngừng được rèn luyện vững vàng, ý chí quyết tâm, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống ngày càng được củng cố; bảo đảm cho Quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên những năm 2010 - 2015 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam có bước phát triển mới tạo biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Cùng lúc, Quân chủng tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Xây dựng, phát triển thêm những đơn vị lực lượng mới như Lữ đoàn Không quân hải quân 954, Lữ đoàn Tàu ngầm hiện đại 189, Lữ đoàn Tên lửa bờ 685, Lữ đoàn tàu pháo - Tên lửa 167, nâng cấp các vùng lên Bộ Tư lệnh vùng Hải quân tương đương quân đoàn, một số trung đoàn lên lữ đoàn, các tiểu đoàn ra đa lên trung đoàn...
Đến năm 2014, Hải quân đã có đủ thành phần lực lượng của 5 binh chủng chiến đấu là Tàu mặt nước, Tàu ngầm, Không quân hải quân, Pháo binh- Tên lửa bờ, Hải quân đánh bộ- đặc công nước; có các lực lượng Công binh hải quân, lực lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, lực lượng nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự hải quân. Các cơ sở giáo dục đào tạo ở trình độ chuyên môn kỹ thuật hải quân từ sơ cấp đến đại học và trên đại học (Học viện Hải quân), được trang bị và cải tiến thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại, giáo trình giảng dạy tiên tiến. Các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục được củng cố, nâng cấp và xây dựng. Các cơ sở sản xuất, làm kinh tế quốc phòng khác được trang bị những thiết bị công nghệ mới hiện đại, nghiên cứu sắp xếp lại cơ cấu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh để không ngừng phát triển phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và làm kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải quân nhân dân Việt Nam đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 02 Huân chương Sao Vàng, 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 03 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất và 2 hạng Nhì), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1963) và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 79 lượt tập thể được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 45 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 2 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lao động…
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7.5.1955-7.5.2015) là một dịp để chúng ta ôn lại truyền thống, lịch sử và những chiến công mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng hải quân đã đóng góp công sức, trí tuệ để giành được trong 60 năm xây dựng, trưởng thành của Quân chủng. Từ đó nâng cao niềm tự hào, trân trọng và tôn vinh những công lao, sự cống hiến hy sinh của các thế hệ đi trước, tiếp tục nhân lên ý nghĩa giá trị to lớn của mỗi chiến công, từng sự kiện lịch sử cũng như cả quá trình xây dựng, trưởng thành vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu vận dụng vào thực tiễn xây dựng, phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn mới. Tự hào về chặng đường đã qua, Hải quân nhân dân Việt Nam càng nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm biển "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó". Cán bộ, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong Quân chủng nguyện sẽ kế tục xứng đáng truyền thống anh hùng, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Phòng Tuyên truyền