Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam mới - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Sau khi ra đời, Nhà nước Dân chủ Nhân dân non trẻ đã cùng lúc phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng mà dân tộc đã giành được, với tinh thần“thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi quân xâm lược. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước đã có biết bao chiến sỹ cộng sản, quần chúng yêu nước ngã xuống, hy sinh nơi chiến trường khốc liệt để bảo vệ thành công nền độc lập hôm nay.
Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu được đổi thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự. Hội đã tổ chức nhiều buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Tiêu biểu là cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ” được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ (ngày 11/7/1946).
Ngày
26/2/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập, phụ trách công tác thương binh, tử sĩ trong cả nước. Đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức
Ngày Thương binh toàn quốc. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ
Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức.
Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày
27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ - ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống
nước nhớ nguồn và ngày 27/7 hàng năm được các đại biểu nhất trí chọn là ngày Thương binh toàn quốc.
Từ đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải “biết ơn và hết lòng giúp đỡ” thương binh, gia đình liệt sĩ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có gần 23 nghìn liệt sĩ, 12 nghìn thương bệnh binh, hơn 2.230 mẹ Việt Nam anh Hùng có chồng, con đã hy sinh trên các chiến trường… Những gương sáng tiêu biểu cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” như Trung tướng Nguyễn Bình, nhà cách mạng Tô Hiệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc… Trân trọng ghi nhận những đóng góp xương máu của quân, dân tỉnh Hưng Yên, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu từng kính đề câu đối:
Mảnh đất Hưng Yên, vạn đấng anh hùng từng ngã xuống
Bầu trời Đại Việt, ngàn thu khí tiết mãi soi cao
Ghi nhớ công lao hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hằng năm, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình có công với đất nước. Nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn và thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng, gia đình chính sách, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên trao 35.262 suất quà cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong kháng chiến, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đầy… Tổng kinh phí thăm, tặng quà là hơn 26,55 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh gần 24,8 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa trên 1,76 tỷ đồng. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách.
Thanh Thúy