Đầu năm 1941, tại Đông Dương, thực dân Pháp đã đầu hàng và cấu kết với quân Nhật, tiến hành đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Do đó, không chỉ các tầng lớp nhân dân bị áp bức, ngay cả binh lính người Việt trong quân đội Pháp đều căm thù chế độ tàn bạo của thực dân.
Ra đi với khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sau gần 30 năm bôn ba, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về đúng thời điểm lịch sử và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng dân tộc làm nên những thắng lợi mang tính chất bước ngoặt… Nhớ về năm Tân Tỵ (1941), chúng ta không thể không nhắc tới những thời khắc lịch sử như một sự tri ân và niềm tự hào dân tộc.
Tiếng súng báo hiệu đầu tiên…
Đầu năm 1941, tại Đông Dương, thực dân Pháp đã đầu hàng và cấu kết với quân Nhật, tiến hành đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Do đó, không chỉ các tầng lớp nhân dân bị áp bức, ngay cả binh lính người Việt trong quân đội Pháp đều căm thù chế độ tàn bạo của thực dân.
Tại Trung Kỳ, binh lính người Việt rất bất bình vì bị thực dân Pháp bắt sang làm bia đỡ đạn cho chúng ở vùng biên giới giữa Thái Lan – Lào. Phản kháng lại hành động đó, ngày 13/1/1941, binh lính đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An) dưới sự chỉ huy của Đội Cung (tức Nguyễn Tri Cung) đã nổi dậy bạo động cướp đồn. Tiếp đó, họ tiến về đánh chiếm đồn Đô Lương (cách đó 20 km), giết và làm bị thương một số binh lính, sĩ quan Pháp, thu được một số vũ khí. Sau đó, những người khởi nghĩa kéo về thành phố Vinh phối hợp với binh lính ở đây để chiếm thành nhưng cuộc tiến công không thành. Thực dân Pháp đã nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy, xử tử Đội Cung cùng 10 người lính khác, số còn lại bị tù chung thân và khổ sai từ 10 - 20 năm.
Gửi
Cuộc nổi dậy của binh lính người Việt trong quân đội Pháp không có quần chúng tham gia, mặc dù thất bại, song binh biến Đô Lương đã thể hiện được lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất vì độc lập, tự do. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) và khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), binh biến Đô Lương (13/1/1941) là tiếng súng đầu tiên báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc của thời kỳ đấu tranh bằng lực lượng vũ trang giành chính quyền do nhân dân ta khởi xướng.
Quyết định mang tính lịch sử
Trước tình hình cuộc chiến tranh thế giới thứ II ngày càng lan rộng, khốc liệt; ở trong nước, khí thế cách mạng sục sôi, phát triển thuận lợi, khởi nghĩa giành chính quyền đã trở thành khả năng thực tế, Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc quyết định trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã chọn và quyết định về Cao Bằng với điểm dừng chân tại Pác Bó.
Ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ xuất phát từ Quảng Tây-Trung Quốc trở về nước. Đi cùng với Bác, ngoài đồng chí Phùng Thế Tài, Lê Quảng Ba còn có các đồng chí: Hoàng Văn Lộc là cán bộ người dân tộc Tày, có kinh nghiệm hoạt động bí mật ở vùng Cao Bằng, Đặng Văn Cáp là thanh niên rất khỏe, giỏi võ, biết chữa bệnh bằng thuốc nam và Thế An là cán bộ người dân tộc Tày, rất thông thạo đường rừng, đường tắt.
Sau 8 giờ đi đường, vượt qua dãy núi Phia Sum Khảo, khoảng 12 giờ trưa, đoàn đặt chân đến cột mốc biên giới số 108 (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng). Đoàn cán bộ trong nước do đồng chí Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) dẫn đầu được cử đi đón Bác cũng đã có mặt tại cột mốc biên giới này.
Quyết định trở về Tổ quốc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một sự chuẩn bị trực tiếp về mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị về bộ máy lãnh đạo để tiến tới một cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước mùa thu 1945. Chính quyết định mang tính lịch sử trọng đại này, Nguyễn Ái Quốc đã làm xoay chuyển trực diện tình hình cách mạng ở trong nước.
Và sự hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng
Trong tình hình mới biến chuyển có lợi cho Đảng và nhân dân ta, sau khi đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, từ năm 1941 – 1945, bên cạnh việc đào tạo cán bộ, xây dựng Pác Bó thành căn cứ địa vững chắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19/5/1941) tại Pác Bó, Cao Bằng.
Trên cơ sở đồng nhất và tán thành Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (11/1939), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941) đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, trong đó, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ở thời điểm lúc bấy giờ, đã đánh dấu sự hoàn chỉnh về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước “không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị” để làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu nhà, được coi là điểm sáng tạo độc đáo của Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh.
Với những quyết sách chiến lược quan trọng của Người, nội dung Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941) tại Pác Bó (Cao Bằng) và sự thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) đã đi vào lịch sử mang tầm vóc đặc biệt quan trọng của nó, quyết định trực tiếp đối với sự thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở nước ta.
Như vậy, sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh biến Đô Lương (cuối năm 1940 - đầu năm 1941) là những tiếng súng báo hiệu đầu tiên của thời kỳ dân tộc Việt Nam nổi dậy bằng bạo động cách mạng (khởi nghĩa vũ trang), sự kiện Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Tổ quốc vào đúng dịp mùa xuân 1941 (mùng 2 Tết) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng - là sự chuẩn bị cơ sở “nhân hòa” cho “thời cơ” và “địa lợi” sắp tới. Thắng lợi cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là hạt mầm sự sống, thành quả đầu tiên của những quyết sách chiến lược đúng đắn đó trong một thời khắc lịch sử quan trọng.
Lê Thị Hiếu (tổng hợp)