Nằm trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, là phên giậu phía nam vững chắc của kinh đô Thăng Long xưa (thủ đô Hà Nội ngày nay), từ thế kỷ XVI, XVII tỉnh Hưng Yên đã được nhân dân trong và ngoài nước được biết đến với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Không chỉ có vậy, Hưng Yên còn là vùng quê có truyền thống hiếu học, là miền quê văn hiến và cách mạng, thời kỳ nào Hưng Yên cũng có những người con ưu tú, tài giỏi góp sức mình dựng xây đất nước, quê hương. Vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện, Hưng Yên chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương.
Ngày 31/8/1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, tấn công xâm lược Việt Nam. Sau đó ít lâu, ngày 28/11/1873, giặc Pháp đánh chiếm Hưng Yên lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, ngày 28/3/1883 thành Hưng Yên bị hạ. Căm phẫn trước hành vi xâm lược bạo tàn của thực dân Pháp, những người con ưu tú và yêu nước của quê hương Hưng Yên đã đứng lên chiêu mộ nhân dân làm các cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, các cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại thực dân Pháp, chống bọn quan lại cường hào cướp ruộng đất, chống sưu cao, thuế nặng chống phu phen…Cùng với đó, những người con ưu tú và tiến bộ của Hưng Yên đã sớm nhận thức và tham gia các hoạt động, các tổ chức yêu nước trong và ngoài tỉnh để lĩnh hội ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc và truyền bá, xây dựng phong trào trên mảnh đất quê hương.
Cuối năm 1928, cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là đồng chí Nguyễn Tiến Trạc đã về quê ngoại ở thôn Đại Quan (Khoái Châu) để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và gây dựng cơ sở ở Sài Thị và cơ sở ở Đại Quan. Từ hạt giống đỏ đầu tiên trên mảnh đất cách mạng, phong trào cộng sản trong tỉnh đã nảy mầm, là sự ra đời của Chi bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Sài Thị với 7 thành viên. Cuối năm 1929, Chi bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Sài Thị chuyển thành chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Sài Thị, đây là chi bộ cộng sản đầu tiên của Hưng Yên. Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, là kết quả của quá trình đấu tranh của quần chúng nhân dân Hưng Yên từ tự phát sang tự giác, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của quần chúng nhân dân về việc có một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào, giác ngộ, cổ vũ quần chúng nhân dân đi theo cách mạng, để giành cơm áo, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, độc lập cho dân tộc. Đặc biệt, sự ra đời của chi bộ là tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên sau này.
Những năm 1931 -1934, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố dã man các tổ chức, cách mạng trong tỉnh, đây là thời kỳ hoạt động cách mạng hết sức khó khăn. Những người cộng sản và quần chúng yêu nước tiến bộ của Hưng Yên vẫn tiếp tục nuôi giữ, củng cố, xây dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân vào cách mạng, vào chủ nghĩa cộng sản. Cuối năm 1940 đầu năm 1941, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, các chi bộ Đảng tiếp tục ra đời, tiêu biểu là các chi bộ ghép như Nhân Dục (Kim Động) – Thị xã Hưng Yên, Ninh Thôn – Trai Thôn (Ân Thi), Quế Lâm - Ải Quan (Phù Cừ)… Các chi bộ ra đời là hạt nhân cách mạng lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự ra đời của các chi bộ ở nhiều địa điểm khác nhau, hoạt động chưa có sự thống nhất, phối hợp nên phần nào chưa phát huy hết sức mạnh trong công tác tổ chức, tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng.
Từ thực tiễn tình hình, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đầu tháng 7/1941, tỉnh Hưng Yên đã mở hội nghị các chi bộ Đảng tại thôn Ninh Thôn, xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi. Hội nghị đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng về tình hình trong nước và quốc tế, học nghị quyết của Trung ương, đồng thời bàn bạc, quyết định 04 vấn đề lớn, trong đó có một vấn đề rất quan trọng là thống nhất các chi bộ đảng trong tỉnh. Hội nghị Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của Đảng bộ tỉnh nhà, là bước ngoặt, mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Từ đây, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, vững vàng dẫn dắt phong trào cách mạng của Hưng Yên trong thời kỳ mới.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, quân Pháp chống cự yếu ớt rồi thất bại nhanh chóng. Trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình cách mạng, Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban vận động Việt Minh tỉnh, cao trào kháng Nhật cứu nước ở Hưng Yên có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Trận đánh mở đầu là trận đánh đồn Bần đêm 12/3/1945 giành được được thắng lợi giòn giã, đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Hưng Yên, tạo đà cho các cuộc đấu tranh phá kho thóc của Nhật chia cho nhân dân diễn ở hầu hết các huyện trong tỉnh.
Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), ngày 16/8/1945, Kỳ bộ Việt Minh ra Thông báo khẩn cấp gửi chỉ huy các tỉnh. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tranh thủ thời cơ, đêm 14/8/1945, Việt Minh huyện Phù Cừ đã chớp thời cơ tấn công vào huyện đường giành được thắng lợi. Từ ngày 14/8 đến ngày 18/8/1945, cùng với huyện Phù Cừ, Việt Minh tiếp tục giành chính quyền tại các huyện Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Giang. Ngày 18/8/1945, Hưng Yên nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, Ban cán sự tỉnh đã mở Hội nghị để quyết định các vấn đề về khởi nghĩa vũ trang trong tỉnh tại đình làng Thổ Cốc (xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ). Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 14 đến ngày 22/8/1945, các huyện, thị trong toàn tỉnh đã khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên tổ chức mít tinh, ra mắt chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân hăng hái tham gia Việt Minh, bảo vệ chính quyền các cấp.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hưng Yên đã chấm dứt thời kỳ đen tối của các tầng lớp nhân dân dưới ách thống trị của thực dân đế quốc, đưa nhân dân Hưng Yên từ thân phận nô lệ trở thành người dân tự do làm chủ vận mệnh của mình. Thành công của khởi nghĩa ở Hưng Yên còn góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tháng 7/1946, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, Đảng bộ tỉnh phải tạm thời chuyển vào hoạt động bí mật, nên tuyên bố “Tự giải tán”, tổ chức Đảng gọi là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, Đảng bộ tỉnh gọi là “Hội bộ”. Từ năm 1947 đến năm 1963, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiến hành 6 kỳ Đại hội Đảng. Ở mỗi kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiệm vụ chính trị, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng với yêu cầu tình hình cách mạng trong tỉnh, trong nước và bối cảnh lịch sử.
Những năm 1949 – 1950, toàn bộ địa bàn Hưng Yên nằm trong vùng kiểm soát của địch, cả tỉnh có 360 làng thì có 360 hương đồn, tháp canh, bốt địch. Song quân dân Hưng Yên vẫn kiên trì bám trụ, đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, thực hiện tốt lời dạy của Bác, bám đất, bám dân, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào, mở các khu du kích, huy động sức mạnh của toàn dân để đánh địch. Nổi bật là những chiến công của đội nữ du kích Hoàng Ngân, rồi các trận phối hợp giữa du kích với quân chủ lực để tấn công địch. Từ những làng du kích đã mở ra những khu du kích liên hoàn. Những chiến công trên đường 5 và đường sắt đã góp phần tạo nên "sấm Đường 5" vang dội... Với những chiến công đó, năm 1952, quân và dân Hưng Yên đã vinh dự được nhận cờ Bác tặng “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: cải cách ruộng đất (1955); xoá bỏ làm ăn riêng lẻ, đưa nông dân vào làm ăn tập thể, thực hiện hợp tác hoá (1959); thực hiện “Tứ hoá”, gồm: thuỷ lợi hoá, hợp tác hoá, bổ túc văn hoá và quân sự hoá (1959-1960)...Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang dồn sức thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam. Tình thế cách mạng của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới: cả nước có chiến tranh, chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ cấp bách và thiêng liêng của cả dân tộc. Trong điều kiện vừa sản xuất vừa chiến đấu, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân tập trung cao độ xây dựng hậu phương vững mạnh, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đáp ứng tốt các yêu cầu cách mạng của cả nước.
Để phù hợp với tình hình cách mạng, từ năm 1968, tỉnh Hưng Yên hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đã tập trung lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ và xây dựng, phát triển kinh tế. Từ năm 1968 - 1975, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đã lãnh đạo nhân dân tích cực phấn đấu trên mặt trận sản xuất với phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, tiếp tục củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng các cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; tư thế sẵn sàng “có lệnh là đi”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tập trung cao nhất chi viện cho miền Nam, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975.
Sau Đại thắng mùa xuân 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hải Hưng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ tỉnh đã tích cực, chủ động sáng tạo chỉ đạo thực hiện công cuộc đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Phong trào xây dựng hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm được phát huy cao độ. Đời sống văn hoá có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Hải Hưng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.
Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh là tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành nhanh chóng ổn định, kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Từ 7 thành viên trong chi bộ thanh niên cộng sản đầu tiên, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đến nay Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã có 611 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc 14 đảng bộ huyện, thành phố và tương đương với trên 62.000 đảng viên…Với 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 1941 - 1968), 7 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (1968 - 1996), sau ngày tái lập tỉnh, tháng 11/1997, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã tiến hành 17 kỳ Đại hội.
Trong những ngày này, cùng với các hoạt động sôi nổi của cả nước kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, tiến tới Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và Đại hội XII của Đảng. Phấn khởi, tự hào về truyền thống vẻ vang qua 85 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên càng tự hào về quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm phấn đấu rèn luyện, lao động, sản xuất, học tập và công tác, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương và của tỉnh năm 2015.
LTV