Lễ tiếp nhận hiện vật của 23 cá nhân có chủ đề "Ký ức và Di sản" được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhằm làm dày dặn thêm kho tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và quảng bá về văn hóa, di sản gắn với người phụ nữ Việt Nam, góp phần khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản Việt Nam trong mỗi người dân.
Nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), hưởng ứng "Tuần lễ áo dài", ngày 03/3 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật từ 23 cá nhân với chủ đề “Ký ức và di sản”.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ về 2 chiếc áo dài bà tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Hình ảnh, tài liệu hiện vật của 23 cá nhân gồm các nhà hoạt động ngoại giao, phóng viên ảnh, nữ bác sỹ và các nhà thiết kế thời trang áo dài... trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dịp này gồm có: 2 áo dài của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 1 chiếc bà mặc trong lễ trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chiếc còn lại bà mặc tại lễ trình thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon năm 2014.
Cùng với đó là 20 bộ áo dài của 20 nhà thiết kế trong bộ sưu tập hơn 1.000 áo dài đã được giới thiệu tại buổi trình diễn "Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/6/2020.
Những chiếc áo dài được lấy cảm hứng từ di sản như: "Vịnh Hạ Long" (nhà thiết kế Nguyễn Thúy); "Hát xoan" (nhà thiết kế Công Huân); "Quần thể di tích cố đô Huế" (nhà thiết kế Phương Thanh); "Đờn ca tài tử Nam Bộ" (nhà thiết kế Minh Hạnh); "Thánh địa Mỹ Sơn" (nhà thiết kế Cao Duy); "Nhã nhạc cung đình Huế" (nhà thiết kế Ngọc Hân);"Đờn ca tài tử Nam Bộ" (nhà thiết kế Huệ Thi); "Tín ngưỡng thờ Mẫu" (Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh).... với các đường nét, họa tiết, màu sắc sinh động và ấn tượng đã được các nhà thiết kế đến từ mọi miền Tổ quốc tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Dịp này, nhật ký của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng (3 cuốn), nguyên Phó Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cũng được trao tặng cho Bảo tàng. Ba cuốn nhật ký từ năm 1960 - 1976 viết về cuộc sống thời là học sinh phổ thông, khi là sinh viên và thời gian công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bà giữ những cuốn nhật ký này đến nay để luôn nhớ về những kỷ niệm, lý tưởng sống của một thời tuổi trẻ.
Bên cạnh đó là 358 bức ảnh của Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành chia thành các chủ đề: phụ nữ (ảnh thể hiện vẻ đẹp trong lao động và cuộc sống của phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước); Văn hóa, tâm linh (ảnh làng nghề; ảnh ngày lễ, tết truyền thống; về công trình kiến trúc và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng); địa danh, phong cảnh đẹp của đất nước...
Nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Đinh Quang Thành từng là phóng viên chiến trường, nổi tiếng với nhiều bức ảnh đề tài chiến tranh, về sự khốc liệt của cuộc chiến và không khí hân hoan của các tầng lớp nhân dân, phụ nữ trong ngày Sài Gòn được giải phóng. Ông cho biết: "Tôi có tình cảm đặc biệt đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Mặc dù đã tặng hàng trăm bức hình quý giá ghi lại chiến thắng của cả dân tộc về chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho Bảo tàng, tôi vẫn tiếp tục muốn gửi gắm tài sản còn lại của mình vào nơi đây. Tôi tin rằng, với cách làm việc chuyên nghiệp, uy tín, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ trân trọng, lưu giữ và phát huy được giá trị của những bức hình đó".
Nguồn: dangcongsan.vn