KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 04/02/2021 - Lượt xem: 179
Lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan Biển Đông là nhất quán

Chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không...

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Chiều 4/2, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng giải đáp một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến Biển Đông.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.
Trước đề nghị của phóng viên cho biết phản ứng của Việt Nam khi mới đây, Nhật Bản gửi Công hàm phản đối một Công hàm của Trung Quốc về Biển Đông, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau.
Các dân tộc, cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là thiết yếu.
[Củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền]
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 rằng, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
“Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, vì lợi ích chung phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này,” Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Nêu quan điểm liên quan đến việc ngày 1/2 vừa qua, Luật Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định rõ: Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia phải có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
 
“Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có các hành động gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông,” Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Tin liên quan