Ngày 27/3 (tức ngày 8 tháng 2 âm lịch), nhân dân xã Cửu Cao, huyện Văn Giang đã long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống năm 2015 nhằm tưởng nhớ công lao của các vị Đại Vương, Thành hoàng làng đã có công dẹp tan giặc Chiêm Thành dưới triều nhà Lý, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái, dân an.
Theo thần tích, đình Cửu Cao thờ Hoàng Phương công chúa và 4 vị Đại vương. Ngọc phả xưa được ghi nhận trong sách Bộ lễ của Quốc triều họ Lý: Lúc bấy giờ, tại trang Cửu Cao, có gia đình Trưởng lệnh, chồng là Nguyễn Húy Tư, tinh thông chữ nghĩa, vợ là Bùi Thị Hằng, hiền lành, lương thiện, tu nhân tích đức. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi, ông bà vẫn chưa có con. Một hôm, ông nằm mơ thấy một vị thần áo mũ chỉnh tề cưỡi hạc đến báo rằng hai vợ chồng phải chịu khó tu tại gia thì sẽ có con. Sau đó, bà mang thai và sinh được 4 người con, lần lượt đặt tên là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Phúc và Nguyễn Hồng. Khi đến tuổi trưởng thành, cha mẹ qua đời cũng là lúc giặc Chiêm sang xâm lấn nước ta, 4 người con trai theo công chúa Hoàng Phương cầm quân đi đánh giặc. Các ông đi đến đâu, giặc tan tới đó.
Đất nước trở lại thanh bình, vua phong tước cho 4 ông Đại vương, nhưng các ông đều từ chối nhận chức quan và xin về quê làm ruộng, sinh sống cùng nhân dân. Ngày 26/8 âm lịch, nghe tin công chúa đi thuyền rồng du ngoạn dọc sông Kim Ngưu ghé vào thăm trang Cửu Cao, 4 ông vội vàng lên thuyền rồng bái kiến. Bỗng đâu trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội làm đắm thuyền. Cả công chúa và 4 ông đều hóa ở đó. Nhà vua nghe tin vô cùng thương tiếc, sai các quan về tận nơi cùng nhân dân vớt xác 4 ông lên an táng vào 4 lăng mộ, riêng công chúa thờ ở chính nơi thuyền rồng bị đắm gọi là Miếu Nghè để nhân dân đời đời khói hương thờ phụng.Hàng năm, cứ vào ngày sinh, ngày kỵ của các ông, nhân dân địa phương lại tổ chức tế lễ trang nghiêm. Theo truyền thống, cứ 5 năm một lần, hội làng lại được nhân dân trong xã tổ chức long trọng vào đúng ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch - ngày sinh của công chúa Hoàng Phương để tưởng nhớ công chúa và những người con tài đức vẹn toàn của quê hương.
Ngay từ sáng sớm, nhân dân trong xã đã làm lễ rước 4 vị Thánh từ các miếu ở 4 thôn Thượng, Hạ, Nguyễn, Vàng lên Miếu Nghè, rồi về Đình Cửu Cao. Sau nghi thức Tế Thánh, các cụ cao niên và các đại biểu cùng đông đảo nhân dân trong xã đã thành kính dâng hương lễ Thánh.
Cùng với những màn tế lễ trang nghiêm, hội làng còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thu hút sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân như trò chơi chọi gà; giao lưu chung kết bóng chuyền hơi nam, nữ 4 thôn; giao lưu văn nghệ giữa đội văn nghệ xã với Đoàn chèo Hưng Yên; biểu diễn tích chèo “Tống Trân – Cúc Hoa”…
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ
Nghi lễ rước kiệu Thánh, rước Ngựa của Thánh là dịp để các thôn thể hiện nét độc đáo, nhuần nhuyễn của đội trống, sênh tiền và đội rước kiệu
Để rước Thánh về Đình làng, mỗi kiệu cần 8 - 16 tráng đinh
Đúng 9 giờ, đoàn rước Thánh từ Miếu Nghè đã về đến Đình Cửu Cao để chuẩn bị khai mạc Lễ hội
Đọc Chúc văn tưởng niệm Công chúa và 4 vị Đại vương
... trong tiếng trống trang nghiêm
và sự thành kính của dân làng
Ban Tổ chức Lễ hội đã chuẩn bị sẵn những phần lộc dành cho các cá nhân hảo tâm công đức xây dựng Đình làng
Hội làng không chỉ đem đến niềm vui cho người già
trẻ em...
Mà còn đầy ắp tinh thần thượng võ qua những trò chơi dân gian thú vị và gay cấn...
... hay trận giao lưu chung kết hữu bóng chuyền hơi giữa thôn Vàng và thôn Hạ.
Trò chơi nào cũng hấp dẫn, thú vị đến mức mọi người đều cố tìm cho mình một vị trí đắc địa
để được thưởng thức trọn vẹn không khí sôi nổi, ý nghĩa của Lễ hội quê hương.
Thanh Mai - Kim Anh