Mê tín dị đoan là một biểu hiện của suy thoái, tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Do mê tín dị đoan mà không ít cán bộ, đảng viên không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến vi phạm pháp luật. Cách đây không lâu, dư luận từng lên tiếng về vụ bố con ông Tạ Văn Phú và Tạ Văn Cường ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đều là đảng viên nhưng vẫn lập đền thờ, xem tướng, bói toán, làm tà thuật tại nhà. Hàng trăm người đã bị rỗ mặt vì tin “thầy” “di cung, hóa số”.
Một số cán bộ, đảng viên thường xuyên cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường. Cũng do mê tín dị đoan, tin tưởng vào bói toán có tướng, số làm quan, phát tài nên có người còn tìm cách “vận động” mua bán chức quyền. Thậm chí có trường hợp do tin vào số, mệnh, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của tổ chức, hãm hại, trù dập cán bộ, tìm cách gạt bỏ những người không hợp với mình, lôi kéo những người “hợp mệnh” vào cùng ê kíp để dễ bề thao túng. Không ít cán bộ, đảng viên tin vào sự may mắn, tin vào những yếu tố siêu nhiên nên thường xuyên đi cầu cúng, tế lễ… Có gia đình cán bộ, công chức xây am, điện thờ đồ sộ quá mức thông thường, hằng ngày hương khói, tụng kinh, gõ mõ ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, đến an ninh của khu dân cư. Mới đây, dư luận cũng lên tiếng về một vị vụ trưởng được cho là đi hầu đồng để cầu thăng quan tiến chức. Hay tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông, nhiều người dân rất bức xúc vì gia đình một cán bộ khi tổ chức đám tang cho bố đã rải tiền thật ra đường.
Mê tín dị đoan còn gây lãng phí của cải, thời gian, cản trở sự phát triển xã hội. Hằng năm, cả nước đốt đi hàng chục nghìn tấn giấy để làm vàng mã, biến hàng trăm tỷ đồng thành tro bụi. Nhiều người còn sắm cả Iphone, biệt thự, ô tô, máy bay, du thuyền, đô-la vàng mã để... cúng cho người đã khuất.
Theo kết quả khảo sát của đề tài khoa học: “Đấu tranh khắc phục tệ mê tín dị đoan trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn TP Hà Nội” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì, TS Trương Ngọc Nam làm Chủ nhiệm, thì hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân có tâm lý muốn đi lễ cầu cúng trong các đền chùa, miếu phủ. Theo kết quả khảo sát cho thấy: Về trình độ học vấn, mức độ thường xuyên đi lễ cầu cúng ở những người có trình độ trung học trở xuống là 71,1%; cao đẳng, đại học là 69,4%; trên đại học là 67,3%. Về nghề nghiệp, những người làm công việc kinh doanh, nghề nghiệp có nhiều rủi ro như nghề y, sản xuất và kinh doanh hóa chất… tỷ lệ thường xuyên đi cầu cúng cũng lớn hơn. Nhiều cơ quan tổ chức đi lễ tập thể và đi nhiều đợt trong năm. Những năm trước có báo đưa tin, một đoàn kịch ở Hà Nội quy định hằng năm, cả đoàn phải đi lễ đền chùa, đặc biệt là đền Bà Chúa Kho như là “nhiệm vụ bất khả từ”. Đi diễn đến đâu có đền chùa, miếu phủ thì phải lễ, diễn xong thì phải tạ… Theo người phụ trách thì “chả gì nó cũng liên quan đến miếng cơm manh áo của cả đoàn nên phải thực hiện... nghiêm túc”.
Nguyên nhân của tình trạng trên có phần tác động của mặt trái cơ chế thị trường, làm cho con người dễ sùng bái đồng tiền, tha hóa đạo đức, lối sống. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho tệ tham nhũng nghiêm trọng, tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều giá trị truyền thống bị xâm phạm. Nhiều người giàu có, thành đạt một cách nhanh chóng, bất ngờ nảy sinh quan niệm sự thành đạt, giàu có là do số phận, do... trời phù hộ. Những giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại, tốt-xấu lẫn lộn làm xuất hiện “khoảng trống” tinh thần, làm một bộ phận thiếu niềm tin về hạnh phúc, về điều tốt đẹp trong đời sống hiện thực, tìm đến sự “đền bù hư ảo” từ thế giới thánh thần.
Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín dị đoan là một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu ý chí phấn đấu, vươn lên, chưa gương mẫu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới. Hiện tượng cán bộ, đảng viên kể cả cấp cao tổ chức cho gia đình đi lễ các đền chùa xin quẻ, tổ chức các cuộc lễ cầu tài, cầu lộc, cầu phúc rất to, cung tiến tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng đã không còn hiếm. Ở một khía cạnh khác, nhiều vấn đề thuộc về đời sống tâm linh hay những hiện tượng lạ mà khoa học chưa có điều kiện lý giải, trong khi đó, sự thấm nhuần về thế giới quan, phương pháp luận khoa học của cán bộ, đảng viên còn hạn chế cho nên đã giải thích một số hiện tượng tâm linh theo hướng duy tâm, thần bí.
Những khó khăn trong khắc phục mê tín dị đoan còn do những hạn chế bất cập về trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, của các cấp, các ngành. Có lúc, có việc chưa thống nhất về quan điểm chỉ đạo, thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, việc tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế… Trình độ nhận thức, phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều bất cập, có lúc cứng nhắc, máy móc trong cách ứng xử, trong phương pháp giải quyết hoặc buông lỏng quản lý, để cho các hoạt động tín ngưỡng, mê tín dị đoan diễn ra một cách tự phát…
Cần phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đời sống thực chất là đời sống mới. Đời sống mới, theo Người, bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Chúng có mối quan hệ gắn bó với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Người phê phán: “... Khi ta làm cách mạng thì trời hay người làm? Khi ta kháng chiến thì trời hay người làm? Năm trước chống hạn là vì người hay vì trời? Trời làm hạn là xấu, ta phải chống hạn. Ta phải chống hạn chứ không phải cầu trời...”.
Để đấu tranh với các tình trạng mê tín dị đoan, bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải kết hợp với việc xử lý nghiêm những hành vi mê tín dị đoan hay lợi dụng mê tín dị đoan, gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhân dân. Vạch trần những thủ đoạn lừa bịp, xử lý kiên quyết những bọn “buôn thần bán thánh”, những thầy tướng, thầy bói, cô đồng… có hành vi lừa bịp, trục lợi. Làm cho mọi người phân biệt đâu là tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan, từ đó thấy được đâu là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng chân chính, đâu là lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan.
Đồng thời, các cơ quan chức năng phải có quan điểm định hướng, chỉ đạo và quy định thống nhất để quản lý các hoạt động tín ngưỡng và mê tín dị đoan. Trước các hiện tượng lạ, dư luận quan tâm, dễ dẫn đến những đồn đoán thần bí, thậm chí xuyên tạc, cần sớm nghiên cứu đưa ra kết luận khoa học và công khai.
Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Việt Nam), khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cho rằng, bài trừ mê tín dị đoan trong tình hình hiện nay phải đi liền với tăng cường quản lý các lễ hội. “Hiện nay, nhiều lễ hội được khôi phục và phát triển nhưng mặt trái của nó là việc khôi phục có chiều hướng tràn lan, thiếu chọn lọc, thiếu thẩm định, dẫn đến loạn chuẩn. Từ đó, hiện tượng mê tín dị đoan cũng đồng hành phát triển, đeo bám nhờ vào các lễ hội mà tồn tại. Vì vậy, lễ hội cần phải được quản lý chặt chẽ, trước khi cho phép hoạt động phải thấy rõ được tác dụng văn hóa tích cực của nó với đời sống cộng đồng xã hội. Đồng thời, cần có những quy định hướng dẫn sinh hoạt lễ hội, ngăn ngừa có hiệu quả hoạt động mê tín dị đoan”-Giáo sư Ngô Đức Thịnh khẳng định.
Theo http://www.qdnd.vn/