MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 01/02/2025 - Lượt xem: 13
Mở ra không gian sáng tạo cho nhà khoa học

Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển đất nước.

Trưng bày sản phẩm công nghệ cao tại Triển lãm thành tựu khoa học, công nghệ Việt Nam năm 2024.

Điều này không chỉ thể hiện sự công nhận mà còn khích lệ, động viên giới trí thức, nhà khoa học tự hào và ý thức trách nhiệm cao hơn, tạo động lực để tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển quốc gia.

Nghị quyết số 57-NQ/TW với các cam kết về cơ chế, chính sách ưu tiên như tăng cường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học sẽ cho phép các nhà khoa học mạnh dạn khai phá những ý tưởng và hướng đi mới.

Nghị quyết cũng mở ra không gian sáng tạo cho giới trí thức, nhà khoa học nắm bắt cơ hội lớn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, dữ liệu lớn và chuyển đổi số.

Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định, để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để trở thành nhân tố then chốt, giới trí thức, nhà khoa học cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới. Quan trọng nhất là hướng các nghiên cứu của mình vào những vấn đề thực tiễn mà đất nước đang cần như: Sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực và phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác,...

Bên cạnh đó, việc truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ qua giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp lan tỏa tinh thần yêu khoa học mà còn thúc đẩy khát vọng sáng tạo trong cộng đồng. Đồng thời, các nhà khoa học cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, trở thành cầu nối giữa khoa học và các cơ quan hoạch định chính sách. Điều này giúp các chính sách được xây dựng trên cơ sở khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Đồng quan điểm: Các nhà khoa học cần có sự chuyển mình để đáp ứng mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho rằng, Nghị quyết là ý chí của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước thông qua con đường khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cho nên đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành phải hoạt động đồng bộ. Thể chế sẽ được giải quyết tương đối nhanh, toàn diện, vấn đề còn lại là con người sẽ phải thay đổi để đáp ứng tình hình mới. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy việc đưa các sáng chế vào phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, một số đơn vị nghiên cứu đã có những định hướng để triển khai Nghị quyết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian tới, Viện sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ cho phép triển khai các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp, theo những kinh nghiệm đã thành công ở Hàn Quốc, phù hợp với tiến trình phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay. Theo đó, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) đã cử các chuyên gia xuất sắc của Viện đồng hành cùng doanh nghiệp.

Thông qua quá trình làm việc, các chuyên gia nắm bắt toàn bộ quy trình sản xuất, qua đó xác định những bất cập, hạn chế liên quan đến công nghệ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Sau đó lập báo cáo cho các nhóm nghiên cứu chuyên ngành của Viện để cải tiến, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Với mô hình này, chỉ trong vòng 2 năm, với sự tham gia của 89 nhà nghiên cứu, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã hỗ trợ được 110 công ty và năng suất lao động được tăng lên rất cao. Đến nay, mỗi năm Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc hỗ trợ trung bình 50 công ty theo chương trình ủy thác của Chính phủ.

Một mô hình khác là hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và nội địa hóa công nghệ. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, vào thập niên 80 của thế kỷ 20, các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu hơn 580 công nghệ từ các quốc gia tiên tiến với chi phí lên đến hàng trăm triệu USD.

Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm, các hợp đồng nhập khẩu này thường bất lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và lãng phí ngoại tệ quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã tham gia hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, hướng dẫn, đánh giá tính khả thi để quản lý và làm chủ công nghệ, sau đó cùng doanh nghiệp nội địa hóa công nghệ. Kinh nghiệm này, có thể áp dụng trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xác định một số nội dung trọng tâm thực hiện như tiếp tục rà soát và tổ chức lại bộ máy; tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị trong các đơn vị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học và công nghệ để bảo đảm chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn. Để thực hiện những nội dung nêu trên, các cơ quan, tổ chức cần bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phát huy tối đa năng lực của mình.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đánh giá đúng vai trò của khoa học, công nghệ trong sự phát triển của đất nước, được giới khoa học đón nhận. Nghị quyết này sẽ mở đầu cho công cuộc tháo gỡ những cản trở để khoa học, công nghệ phát triển và đóng góp thật sự cho sự phát triển của đất nước.

Vấn đề quan trọng là cần thay đổi nhận thức, hiểu rõ được khoa học, công nghệ hiện nay đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, từ đó có giải pháp tháo gỡ quyết liệt và xây dựng lại hệ thống các tổ chức nghiên cứu khoa học tinh gọn, cũng như có cơ chế phù hợp để hệ thống hoạt động hiệu quả.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan