Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Người dân tham gia trồng cây gỗ lớn tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. (Ảnh: THANH TÂM)
Chuẩn bị tổ chức tốt phong trào trồng cây, trồng rừng nhân dịp đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025.
Trồng cây, trồng rừng đã thành truyền thống tốt đẹp. Thực hiện các chính sách về lâm nghiệp, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp, từ đó đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai...
Năm 2024, cả nước đã trồng được 245.000 ha rừng trồng tập trung và 130 triệu cây xanh phân tán; bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng gần 23 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%. Công tác bảo vệ rừng tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cháy rừng giảm đáng kể.
Trồng cây, trồng rừng diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương thời gian qua đã góp phần cơ cấu lại sản xuất lâm nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đa dạng hóa loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Nhiều địa phương đã chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng. Một trong những kết quả nổi bật của phong trào trồng cây, trồng rừng những năm qua là đã thu hút được đông đảo mọi thành phần trong xã hội tích cực tham gia.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Để “Tết trồng cây” năm nay đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp đề nghị các tỉnh phía bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (ngày 19/5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.
Các địa phương quan tâm trồng cây xanh trong rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.
Các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025” và “Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương kiểm tra, chỉ đạo cập nhật theo dõi diễn biến rừng kịp thời, sát thực tế; bố trí nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ điều tra rừng theo kế hoạch…
Nguồn: https://nhandan.vn/