KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 30/06/2018 - Lượt xem: 164
Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn, là mảnh đất còn lưu giữ được khá nhiều các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

I- Khái quát về di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên là một tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng trên cả hai lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.210 di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, trong đó, 164 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 196 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh[1].Các di tích đã và đang được quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hoá. Đặc biệt ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến. Ngoài ra, tỉnh còn có Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà tưởng niệm các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, cụ Hoàng Hoa Thám,  Đền thờ bà Hoàng thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đền, chùa nổi tiếng khác như: Đền thờ Tống Trân, Đền Trần, Đền Phù Ủng, Đền Chử Đồng Tử...; chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu... Mỗi đền, chùa là một kho tàng mỹ thuật sống động, với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đó là những không gian văn hóa truyền thống, không gian tâm linh hiện hữu nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể và đặc biệt hấp dẫn du khách bởi sự hài hòa cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi.

Hưng Yên còn là địa phương có nhiều lễ hội đặc sắc. Toàn tỉnh có 364 lễ hội các loại, trong đó có 326 lễ hội dân gian, 22 lễ hội tôn giáo, 13 lễ hội tín ngưỡng, 3 lễ hội được bảo tồn theo dự án văn hóa phi vật thể, đó là lễ hội đền Đậu An xã An Viên (Tiên Lữ), lễ hội rước nước tại đền Đa Hòa xã Bình Minh, đền Hóa xã Dạ Trạch (Khoái Châu) và lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng (Văn Lâm)... Hệ thống lễ hội này đã giới thiệu và chứng minh sinh động về vùng đất, con người Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại, với những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của Hưng Yên nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung.

II- Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lại được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng, bước đầu đã triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian tiếp tục được duy trì, phát triển. Các làng nghề truyền thống của tỉnh được quan tâm bảo tồn, phát huy… Những thành tựu đó đã đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Hưng Yên thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích gặp khó khăn. Các lễ hội quy mô nhỏ, việc tổ chức mang tính tự phát, thiếu chọn lọc. Chất lượng hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian hiệu quả chưa cao. Hoạt động làng nghề gặp nhiều khó khăn. Một số di tích lịch sử - danh thắng có quy mô và giá trị lớn do chưa được cắm mốc chỉ giới nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ giá trị di sản văn hóa; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của nhân dân chưa cao. Các hoạt động khai thác khoáng sản đe dọa vành đai bảo vệ của các di tích, di chỉ, các danh lam thắng cảnh của huyện.

III- Một số giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa tỉnh Hưng Yên thời gian tới

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Đó là:

Thứ nhất, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc trưng và giá trị gốc của di sản. Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng trong trường hợp cần thiết phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự bền vững, sự hài hoà của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để góp phần củng cố bản sắc văn hóa địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Thứ hai, Bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hợp lý, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tạo lập sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động nguồn lực toàn xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố cho công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa; triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng.

Thứ ba, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng tời, Các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn tỉnh cần phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện và các địa phương; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, sân khấu hóa… Phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài liệu truyền thanh, các cuốn sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh để tuyên truyền,  quảng bá trong các lễ hội hoặc bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách trong và ngoài tỉnh.

Thứ , Tập trung nâng cao chất lượng các tour du lịch “Khu di tích đặc biệt Phố Hiến” với các điểm tham quan tiêu biểu của tỉnh như: Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); di tích cây đa và đền thờ La Tiến; đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão; Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, Hàm Tử - Bãi Sậy; làng Nôm... kết nối với các di tích, điểm tham quan trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, khảo cứu nông thôn… Ưu tiên đưa loại hình ca Trù và hát Chèo, Chầu văn tham gia phục vụ khách du lịch.

Thứ năm, Phục dựng, nâng cấp một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh thành lễ hội cấp vùng Châu thổ sông Hồng gồm: Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến,  lễ hội đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi); lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Nên từng bước xóa bỏ việc xây dựng kịch bản lễ hội từ cấp huyện đến cấp xã để dần trả lễ hội trở lại với đời sống của cộng đồng tránh “mô hình hóa lễ hội”; từng bước khẳng định tính riêng biệt, đặc thù của lễ hội Hưng Yên. Khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân gian; tổ chức hội chợ, hội thi, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm các làng nghề truyền thống, hỗ trợ công tác nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thứ sáu, Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa;  khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Tăng cường liên kết liên kết vùng (đặc biệt là các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình) trong việc thực hiện các tour du tịch vùng nhằm quản bá và xúc tiến du lịch.

Thứ bảy, Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du lịch.

Xuân Trường

 

 


[1] Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch “Hưng Yên Di tích lịch sử Văn hóa”, Hưng Yên, 2016. Tr 4.

 

Tin liên quan