Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ chủ chốt tỉnh và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết vào các chương trình, đề ánh phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, sau 5 năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên đã thu được những kết quả tích cực.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là xây dựng con người Hưng Yên phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện, gắn với với việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Công tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng, trong đó coi trọng giảng dạy và học tập đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục pháp luật... Cùng đó, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều mô hình, cách làm mới, nội dung phong phú, hiệu quả. Phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên.
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được triển khai thực hiện thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Xây dựng cơ quan văn hóa”; “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước”... Năm 2018, toàn tỉnh có 355.205/390.336 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 91%; 749/851 làng, khu phố văn hóa, đạt 88%; 661 gia đình cấp tỉnh, trên 4.500 cấp huyện, trên 6.400 cấp xã được công nhận “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”; 62 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận lại danh hiệu Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 05 năm (2014-2018)... Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng. Đến nay, 100% thôn, làng và các khu dân cư xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ; số đám tang áp dụng hình thức điện táng, hỏa táng ngày một tăng; 100% các làng, khu phố văn hoá xây dựng hương ước, quy ước trong đó có nội dung về nếp sống văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 100 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn độc lập (chiếm 62,1%), 61 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn kiêm hội trường Đảng ủy, HĐND, UBND xã (chiếm 37,9%); 672 nhà văn hoá thôn, khu phố độc lập (chiếm 78,9%), 179 nhà văn hoá sinh hoạt chung với các thiết chế khác (chiếm 21,1%). Công tác phát triển và tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh.
Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã xây dựng các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy quản lý; đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và phân loại chất lượng tổ chức đảng hằng năm. Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được đẩy mạnh, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Đã hoàn thành việc kiểm kê hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh với 1.802 di tích các loại. Công tác sưu tầm nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian được đẩy mạnh. Đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên toàn tỉnh; lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để nghiên cứu lưu trữ lâu dài như: Lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch, Lễ hội đền Đậu An, Lễ hội đình Quan Xuyên, Lễ hội cầu mưa chùa Thái Lạc, Làng nghề hương xạ Cao Thôn, đúc đồng Lộng Thượng, chạm bạc Huệ Lai… Tỉnh có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Ca trù, Trống quân, Hát chèo, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Hưng Yên. Công tác phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu được đầu tư, nhất là việc đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hưng Yên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vẫn còn những hạn chế: một số cấp ủy, chính quyền chưa đánh giá đúng về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội; cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có nhiều khu vui chơi giải trí công cộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, công nhân lao động, trẻ em; công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao; các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có tiến bộ bước đầu nhưng chưa rộng khắp; công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển, quy mô còn nhỏ, lẻ; đội ngũ làm công tác văn hóa và công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn yếu và thiếu. Cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa khuyến khích được cho những người làm công tác văn hóa, nhất là văn nghệ sỹ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Hưng Yên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, các cấp ủy, chính quyền cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính, sau: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Chương trình hành động 34-CTr/TU của Tỉnh ủy; tiếp tục đưa các mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động có phẩm chất đạo đức, có ý thức, trách nhiệm, tôn trọng kỷ cương, tận tụy vì nhân dân, vì Tổ quốc. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn vốn trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; hoàn thiện các quy định để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.
LT