KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tuyên truyền-Báo Chí-Xuất bản
Đăng ngày: 03/07/2024 - Lượt xem: 180
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả”[1].

Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025”

Công tác tư tưởng của Đảng hiện nay diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, một yêu cầu hết sức cấp thiết đó là cần phải đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng trong tình hình mới và nhiều thách thực như hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác này, Người khẳng định: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”[2]. Trong các thời kỳ cách mạng trước kia, nhất là trong thời kỳ lãnh đạo giành chính quyền, đã nổi bật lên thực chất của công tác tư tưởng là cổ vũ, động viên, tổ chức lực lượng, có thể nói là cơ chế tổ chức lực lượng, tổ chức hành động cách mạng, biết chịu đựng gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp của nhân dân. Ngày nay tuy điều kiện đã khác trước, song hơn lúc nào hết, lúc này công tác tư tưởng vẫn vô cùng quan trọng trong cơ chế ấy, mà trước hết là các cấp ủy, các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là cấp cao, cần nắm lấy để tổ chức chiến đấu trong thời kỳ mới - thời kỳ có cả cơ hội và nguy cơ đan xen lẫn nhau.

Muốn công tác tư tưởng đi trước, thực hiện được vai trò đòn bẩy tác động vào lịch sử để diễn biến đúng quy luật, thì phải luôn luôn biết dự báo, nhìn xa, lường trước các khả năng, các tình huống, để tự giác lựa chọn và chủ động tạo được tình huống tốt.

Mặc dù Đảng ta và nhân dân ta từng có truyền thống cách mạng, dầy dạn kinh nghiệm, song trước bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, hơn lúc nào hết cần nêu cao ý thức thường trực cảnh giác cách mạng, nỗ lực phi thường vươn lên đổi mới và chỉnh đốn Đảng, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Muốn vậy phải đánh giá đúng thực trạng tư tưởng, trước hết là tư tưởng chính trị, đặc biệt trong Đảng, phải đổi mới và chỉnh đốn công tác tư tưởng từ trên xuống dưới; đó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà nhiều Nghị quyết của Đảng đặc biệt là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XIII) “về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân; với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá giá đúng sự thật, gắn chặt phòng với chủ động tiến công để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh” được đông đảo nhân dân quan tâm.

Tư tưởng chính trị là vấn đề của chiều sâu, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội, là cái nền quyết định đạo đức lối sống và tổ chức. Nhưng sức sống, sự lan tỏa của nó lại nhờ ở đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là sức mạnh chiến đấu của nó là nhờ vào thực hiện nguyên tắc tổ chức của Đảng và thông qua bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị.

Ngày nay, cũng như mọi thời kỳ cách mạng, mặt tốt của tư tưởng chính trị trong Đảng vẫn là cơ bản, vẫn là thuộc về phần lớn cán bộ, đảng viên. Có vậy, mới tạo ra được những thắng lợi, những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, tạo nên thế và lực mới cho cách mạng nước ta, giữ vững ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống, có vị thế trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô vẫn còn nguy cơ hiện hữu, do vậy cán bộ, đảng viên của ta cần tỉnh táo, tiếp tục khí phách cách mạng và sáng tạo, càng phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước kết hợp chủ nghĩa quốc tế, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, biết tiếp tục đổi mới có nguyên tắc, kết hợp chặt chẽ giữa nguyên tắc và sách lược, góp thêm vào truyền thống bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng trong mọi tình huống, nhất là trước những bước ngoặt lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm ấy, lại đang nổi lên những hạn chế mới trong tư tưởng và công tác tư tưởng mang tính đặc thù trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, chủ nghĩa thực dụng đang phát triển mạnh, thâm nhập vào nhiều ngõ ngách của đời sống từ vật chất đến tinh thần, từ trong Đảng đến ngoài xã hội, từ kinh tế đến văn hóa, từ chính trị đến đạo đức, lối sống,... Về kinh tế, không ít người đã mất đức lo âu phục vụ nhân dân mà chỉ lo toan tính làm giàu cá nhân, dòng họ thậm chí không còn động lòng trước người khó khăn, đói khổ. Về văn hóa không thiếu nhiều hiện tượng không còn nghĩ mấy tới giáo dục đạo đức lối sống, mà để kiếm nhiều tiền, muốn nhanh chóng nổi tiếng, không ít tổ chức, cá nhân sẵn sàng sử dụng chiêu trò phản cảm bằng mọi giá. Về chính trị, cũng có người tính toán thực dụng, như vào Đảng để mưu tiền đồ cá nhân hơn là vì lý tưởng cách mạng; có người chỉ ham mê chạy chức chạy quyền, cấu kết với doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế nhằm tham ô, vơ vét tài sản để bỏ túi riêng. Về đạo đức lối sống thì đặc trưng nổi bật nhất của sự sa sút là chạy theo đồng tiền, danh vọng, địa vị, có tiền là có tất, có tiền là có quyền lực và quyền lực cũng biến thành tiền...

Chủ nghĩa thực dụng một mặt càng khó ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi, mặt khác lại càng phải có biện pháp xử lý, đẩy lùi chủ nghĩa thực dụng để vững tâm thực hiện cơ chế kinh tế mới. Giải quyết mâu thuẫn ấy phải nhờ vào vai trò đặc biệt của công tác tư tưởng, tính năng động của công tác tư tưởng. Ở đây phải khôi phục giá trị đạo đức, giá trị nhân văn như chúng ta đã thành công trong công cuộc kháng chiến trước đây đồng thời với việc động viên theo lợi ích kinh tế. Chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ, giáo dục, khơi dậy truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc, trước nhất là đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Bác Hồ đã dạy. Trong số các biện pháp giáo dục đạo đức, thì việc nêu gương người tốt việc tốt, lấy tai mắt nhân dân nhất là nơi cán bộ đảng viên, công chức cư trú để giám sát, đánh giá, đi đôi với xử lý nghiêm những kẻ vô đạo đức, vi phạm pháp luật chỉ vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc, sẽ có tác dụng nhanh và thiết thực. Vai trò của cơ sở như làng xóm, tổ phố, cơ quan, chi bộ... là rất cần thiết đối với giáo dục đạo đức cán bộ, đảng viên, công chức. Trong công tác cán bộ, nhất thiết phải khôi phục việc coi trọng yếu tố “đức” là gốc, từ tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đề bạt cất nhắc cho đến thưởng, phạt, đãi ngộ.

Thứ hai, nhiều cán bộ, đảng viên kiên định cách mạng, vững vàng về chính trị, nhưng có những lo lắng chính đáng cho sự tồn vong của chế độ. Đặt vào bối cảnh phức tạp trong vài thập kỷ tới và theo kinh nghiệm quốc tế, thì nỗi lo âu của các thế hệ cách mạng đi trước không phải là không có lý. Vì thế, ngay từ bây giờ, phải gấp rút khôi phục truyền thống giáo dục chính trị tốt trong Đảng và trong toàn xã hội, không thể chủ quan xem thường. Cần phải đổi mới phương thức, phương pháp giáo dục. Cùng với việc ấy còn phải rất coi trọng tiêu chuẩn phẩm chất chính trị khi kết nạp đảng viên mới và khi đưa đảng viên vào cấp ủy. Công tác phát triển Đảng cũng như việc kiện toàn các cấp ủy cần phải đi đôi với yêu cầu bảo vệ chính trị nội bộ tốt.

Thứ ba, sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, tan vỡ Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô, chủ nghĩa xã hội không còn là hệ thống thế giới, bên cạnh đó chủ nghĩa tư bản đang thể hiện thế mạnh, đang tác động tới tư tưởng nhân loại và một bộ phận cán bộ hoang mang, dao động, hoài nghi thấp thỏm về tiền đề xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tiếc rằng thực trạng đó tại một số địa phương, đơn vị chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Nhìn chung, thành tựu của đổi mới, trước hết sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, đời sống chung của xã hội được cải thiện, do đó các diễn biến xấu về tư tưởng nói trên không rõ ràng, làm cho chúng ta không thấy hết tiềm ẩn nguy hiểm của tâm trạng mơ hồ hoài nghi.

Tình trạng mơ hồ, dao động, hoài nghi, về thực chất là nghiêng về phía có lợi cho con đường tư bản chủ nghĩa, mà trong thực tiễn kinh tế nước ta bên cạnh tác dụng tốt là chủ yếu thì cũng có cả cơ sở dung dưỡng cho tình trạng tư tưởng đó mà hiện nay điều đó được thể hiện rõ qua việc các cơ quan điều tra khui ra một loạt sai phạm tại các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Công tác tuyên giáo nói chung và công tác tư tưởng nói riêng trong bối cảnh đó đòi hỏi phải giáo dục bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn liền với tăng cường tổ chức thực tiễn, trước hết đưa ra được các hình thức kinh tế quá độ vừa kế thừa chủ nghĩa tư bản vừa bắt đầu có yếu tố xã hội chủ nghĩa, đem lại cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

Thứ tư, những biểu hiện cơ hội chính trị đang lây lan và có chiều hướng phát triển. Biểu hiện của cơ hội chính trị là nhân danh đổi mới mà bác bỏ một phần tiến đến bác bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường xã hội chủ nghĩa; về từng lĩnh vực cụ thể, trước hết trên lĩnh vực kinh tế cũng bác bỏ một phần tiến đến bác bỏ triệt để chế độ công hữu, vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Số người có biểu hiện cơ hội chính trị là con số rất nhỏ, có thể đếm đầu ngón tay, song có sức lan tỏa, dễ lây lan, không thể xem thường. Do đó, phải chú trọng nâng cao trình độ cho toàn Đảng, toàn xã hội, tăng chất đề kháng gắn liền với đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái xuyên tạc. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm, triệt để, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Mặt tốt, mặt thành tựu về công tác tư tưởng không phải là ít, song những vấn đề về đặt ra liên quan đến công tác tư tưởng trên đây đang liên quan đến vận mệnh của Đảng và sự sống còn của chế độ ta. Và, tập trung giải quyết tốt sẽ góp phần quyết định nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và để chủ động đấu tranh chống các phương thức, thủ đoạn đó một cách có hiệu quả nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Hoàng Xuân Trường

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam  “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật - Hà Nội 2021, Tr. 181

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 7, Tr.415

Tin liên quan