KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 17/02/2021 - Lượt xem: 108
Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong bốn nhóm giải pháp lớn cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ năm 2000, cùng với cả nước, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát động trong toàn tỉnh Hưng Yên. Trong suốt những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp và đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định tính toàn dân, toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được liên tục và kịp thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp. Ngày 22/11/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2216/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Ban vận động Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và phân công nhiệm vụ cho ngành thành viên theo dõi, chủ trì chỉ đạo các phong trào cụ thể trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 161/161 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo và thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo. Nhằm giúp Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh thực hiện nhiệm vụ, ngày 20/8/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1421/QĐ-UBND về việc thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Hưng Yên. Đến năm 2015, 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại các địa phương và cơ sở. Trong 20 năm, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức trên 40 cuộc kiểm tra, giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đánh giá thực tế phong trào, tiếp thu các ý kiến phản ánh của Ban Chỉ đạo các cấp và quần chúng nhân dân, kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp. Từ đó, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện phong trào được tháo gỡ, giúp động viên, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện phong trào, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2000 - 2020, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách và trên 1.000 văn bản các loại nhằm chỉ đạo, hướng dẫn đưa phong trào phát triển toàn diện về mọi mặt. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với các phong trào và cuộc vận động thi đua yêu nước như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Người tốt, việc tốt”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “Lao động giỏi lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức lao động”; “Xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá”, “Tuổi cao, gương sáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua quyết thắng”, “Xây dựng khu dân cư 3 không”, “Cưới vui, tiết kiệm”…

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ban hành hàng nghìn văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. 100% các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa hằng năm, kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Các xã, phường, thị trấn tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện tới cơ sở; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở phối hợp triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tích cực tuyên truyền vận động các thôn, làng, khu phố, các gia đình đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hoá hằng năm; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá thể thao cơ sở.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với thực tiễn và mang lại hiệu quả tích cực. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng hình thức như: Tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan; thông qua liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ, giao lưu thi đấu thể thao; phát hành tờ rời, tờ gấp... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức trên 100 lượt tuyên truyền lưu động về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xuất bản: trên 3.000 cuốn tài liệu “Hỏi đáp về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới”’; hơn 4.000 cuốn sách hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa; hơn 200.000 tờ gấp về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; 165.000 tờ gấp về tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; 105.000 tờ gấp về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; hơn 100.000 tờ gấp tuyên truyền về một số quy định về phòng chống bạo lực gia đình; 50.000 tờ gấp về bộ quy tắc ứng xử trong gia đình; hơn 1000 pano tranh cổ động, 700 băng rôn mang chủ đề gia đình và các thông điệp tuyên truyền về nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam, phòng, chống bạo lực gia đình; cấp phát 2.000 áp phích tuyên truyền về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Toàn tỉnh tổ chức trên 17.000 hội nghị, hội  thảo, lớp tập huấn, hội diễn, liên hoan văn nghệ có nội dung liên quan đến thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thành công các Hội nghị về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa và biểu dương làng, khu phố xuất sắc tiêu biểu (1998-2008); Hội nghị tổng kết 5 năm (2000-2005), 10 năm (2000-2010) thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Hội nghị biểu dương Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc lần thứ I năm 2007, lần thứ II năm 2013, lần thứ III năm 2018; Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.  Hằng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cho Ban Chỉ đạo các cấp, cán bộ văn hóa cơ sở, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh tổ chức lồng ghép trên 20.340 hội nghị tuyên truyền thực hiện phong trào ở cơ sở với hơn 4.000.000 lượt người dự; xây dựng gần 10.000 tin, bài phản ánh, biểu dương điển hình tiên tiến, mô hình làm tốt trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thúc đẩy cỗ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia phong trào. Các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động nhằm đưa nội dung hoạt động cụ thể trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức các Hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện phong trào.

Nhìn chung, trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và sáng tạo trên cơ sở bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của phong trào đến nhân dân được thực hiện thường xuyên, đa dạng về hình thức, phát huy hiệu quả tích cực, làm cho nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện phong trào không ngừng được nâng lên. Đến nay, việc thực hiện các nội dung, phong trào cụ thể trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành việc làm thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh. Kết quả đạt được của phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn việc thực hiện phong trào với thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân.

Hai là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp huyện trong triển khai thực hiện phong trào; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; công tác thanh tra, kiểm tra và có biện pháp quản lý hiệu quả đối với các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, dịch vụ du lịch; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, hội thi - hội diễn chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho trẻ em, người cao tuổi...

Ba là, tổ chức việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp và đánh giá công tác triển khai phong trào tại địa phương cơ sở, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những mục tiêu, giải pháp phát triển phong trào trong thời gian tiếp theo.

Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò ý nghĩa, nội dung phong trào. Động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong phong trào làm tiền đề và khích lệ phong trào ở các địa phương trong tỉnh. Bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới, nhân rộng mô hình mới và cách làm hay trong quá trình triển khai thực hiện phong trào.

Năm là, tập trung đầu tư các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi. Hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách Nhà nước các cấp để xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa ở thôn, làng, khu phố, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Huy động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào.

HC

 

 

Tin liên quan