Chùa Nôm thuộc làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Chùa có tên tự là Linh Thông Cổ Tự, được xây dựng vào năm 1680, trùng tu vào thế kỷ XVIII. Chùa Nôm không chỉ cuốn hút du khách với các công trình kiến trúc cổ đặc sắc, hài hoà với thiên nhiên mà còn nổi tiếng là ngôi chùa có nhiều đồ thờ, di vật quý báu. Đặc sắc nhất trong những di vật ở chùa Nôm là 122 bức tượng đất nung, miêu tả quá trình trưởng thành của đức Phật qua các giai đoạn của cuộc đời; có bức cao đến 3 nét, có bức rất nhỏ, được trưng bày trong không gian tâm linh thành kính, kỹ thuật chế tác tinh xảo, công phu.
Theo truyền thuyết, chùa Nôm được xây dựng giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự. Không còn ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680.
Ấn tượng đầu tiên với du khách chính là vẻ đẹp cổ kính, lối kiến trúc độc đáo và sự bề thế, uy nghi của tam quan chùa Nôm.
Theo triết lý của đạo Phật, tam quan có nghĩa là ba điều quan sát, ba điều nghe, ba điều nhìn, là ranh giới giữa đời và đạo.
Qua tam quan, lầu chuông, lầu trống soi bóng xuống mặt ao phẳng lặng.
Hòa trong không gian tĩnh mịch của chốn linh thiêng...
... âm thanh trong sáng, ngân nga của tiếng chuông chùa như thức tỉnh lòng người hướng thiện.
Qua cầu đá mô phỏng cây cầu Nôm cổ, lầu Quan Âm lộng lẫy nguy nga như một đài sen in bóng xuống mặt hồ. Không gian như rộng mở, vẻ đẹp của kiến trúc như hòa quyện với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời.
Dù ở bất cứ không gian, thời gian và góc hình nào, vẻ đẹp của chùa Nôm cũng giống như một một bức tranh thủy mặc.
Đến với chùa Nôm, có lẽ ấn tượng hơn cả vẫn là hệ thống tượng cổ làm bằng đất. Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, bao thăng trầm, biến đổi của thời gian, hệ thống tượng chùa Nôm như vẫn trường tồn theo năm tháng. Không chỉ là hệ thống tượng cổ được bài trí ở Tòa Tam bảo
những bức tượng được đặt dọc hai dãy hành lang cũng mang đầy xúc cảm với khách chiêm bái khi đến chùa. Đó là tượng La Hán, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tuyết Sơn... Các pho tượng được tạc theo hình dáng, kích thước, tư thế, màu sắc vô cùng phong phú, đa dạng.
Có vị đứng, có vị ngồi, có vị hoan hỉ, ung dung tự tại nhưng cũng có vị với dáng vẻ khắc khổ, trầm tư…
Sự tài hoa của các nghệ nhân khi thổi hồn vào mỗi bức tượng không chỉ biểu thị sắc thái riêng trên mỗi khuôn mặt,
mà còn được thể hiện ở cả nét thanh thoát, tinh tế của trang phục, hòa quyện với gam màu sáng tối khác nhau.
Nhưng dù ở tư thế và kích thước thế nào, khi nhìn vào những bức tượng ấy, ta vẫn thấy toát lên sự trong sáng của tâm hồn, sự thanh khiết của trí tuệ, sự trầm ngâm suy nghĩ với nỗi đau của chúng sinh.
Và quan trọng hơn cả, nét mặt, cử chỉ, nội tâm mỗi vị mang một vẻ rất sinh động và gần gũi với đời thường, như hơi thở của thời đại và nỗi niềm nhân sinh.
Và có lẽ với du khách thập phương khi đến chùa Nôm, tính nhân văn ấy mới là điều trân quý nhất.
Không chỉ đặc sắc ở hệ thống tượng, nét đẹp Chùa Nôm còn ở vẻ rêu phong, cổ kính của từng hạng mục công trình với họa tiết trang trí tinh tế, tài hoa và tâm huyết của các nghệ nhân dân gian.
Thế nên, giữa ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đương đại, rất nhiều người vẫn luôn tìm đến Chùa Nôm. Qua khu chợ dân sinh với muôn sắc thái nhân gian, bước vào tam quan...
vãn cảnh chùa Nôm, thỉnh tâm niệm Phật, để khi quay trở ra, bụi trần như được gột rửa, lòng người thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.
Thanh Mai, Nguyễn Liên và CTV