Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã tạo nên một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu, trong lao động sản xuất; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong xã hội và ra quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhiếp ảnh nước nhà cần tận dụng được thời cơ từ lòng yêu nghệ thuật, từ công nghệ
để có những bước phát triển nhảy vọt. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ suy nghĩ này tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sáng 12/10.
Từ khi có Sắc lệnh 147 ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam” đến nay nhiếp ảnh Việt Nam đã có bước phát triển rất ấn tượng và có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa con người Việt Nam, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khoảng 30 nhà nhiếp ảnh thời chống Pháp ở Đồi Cọ (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) năm xưa, đến nay đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam đã có hàng vạn người hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực ở khắp mọi miền đất nước.
Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh kháng chiến - những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra trận, không khác gì các chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên chiến trường, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta, tất cả vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng và để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.
Thời cơ phát triển đúng hướng và nhảy vọt
Từ khi được thành lập, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Hội đã phát huy vai trò là mái nhà chung tập hợp lực lượng, cổ vũ, động viên hội viên cùng phát triển nền nhiếp ảnh nước nhà. Vị trí, vai trò của nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục được khẳng định ở trong nước và trên trường quốc tế.
Những năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc, với nhiều khuynh hướng sáng tạo, hình thành một bức tranh đa dạng, phong phú về một chuyên ngành nghệ thuật độc đáo, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của nhân dân và là một nhịp cầu nối Việt Nam với thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 vừa qua, Hội đã tổ chức nhiều triển lãm, cuộc thi như triển lãm "Đất nước, con người bè bạn quốc tế qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam", cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về đề tài “Biển đảo quê hương”, cuộc thi và triển lãm ảnh phóng sự "Việt Nam - Đất nước, Con người"; tổng kết "Nhiếp ảnh nghệ thuật 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới", qua đó xác định phương hướng phát triển trong thời kỳ tới.
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, giới nhiếp ảnh rất tự hào khi Nhà nước phong tặng 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật chuyên ngành cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh (năm 2016).
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và internet, nhiếp ảnh hôm nay không còn biên giới và có điều kiện giao lưu, hội nhập mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng. Có thể nói, nhiếp ảnh giờ đây dần trở thành một loại hình nghệ thuật dành cho nhiều người với một không gian sáng tạo gần như vô hạn.
Bên cạnh các tác giả lão thành, xuất hiện một thế hệ nhiếp ảnh trẻ nhanh nhạy, năng động với nhiều tìm tòi thể hiện tư duy tươi mới. Đặc biệt, các tác giả không chuyên vô cùng đông đảo với thế mạnh nắm bắt từng khoảnh khắc, mọi ngóc ngách của cuộc sống hết sức sinh động và khả năng tương tác giữa những người sáng tác, giữa tác giả với cộng đồng đã và đang mở ra thời cơ để nền nhiếp ảnh có những bước phát triển đúng hướng và nhảy vọt.
“Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một trong những hội có bước phát triển ấn tượng và thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả nhất. Những năm tới đây, nhiếp ảnh nước nhà cần tận dụng được thời cơ từ lòng yêu nghệ thuật, từ công nghệ để có những bước phát triển nhảy vọt”, Phó Thủ tướng nói.
Làm điểm tựa cho người yêu nhiếp ảnh cả nước
Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém của nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ vừa qua với tình thần cầu thị, từ đó xác định nhiệm vụ và đưa ra các giải pháp hoạt động phù hợp cho nhiệm kỳ mới.
Với tư cách một loại hình nghệ thuật gắn chặt với thời đại, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng thật rõ nét; chưa có thật nhiều tác phẩm ảnh có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật; còn hiếm những tác phẩm khi nhắc đến mọi người dân đều biết.
Nhiệm vụ của Hội trong quy tụ, thu hút, tập hợp nghệ sĩ có tâm, có tài năng để thực hiện những chương trình, những dự án lớn về nhiếp ảnh quốc gia vẫn còn hạn chế. Hoạt động sáng tác, những tác phẩm được giải, được công chúng ghi nhận vẫn phần nhiều dựa vào các nỗ lực cá nhân đơn lẻ, chưa có sự hỗ trợ của Hội hay Nhà nước một cách thiết thực.
Công tác lý luận phê bình, định hướng sáng tác vẫn chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả như mong đợi. Nhiều vấn đề của nhiếp ảnh, nhất là những vấn đề mới chưa được tổ chức nghiên cứu, luận giải một cách thấu đáo, từ đó có giải pháp một cách thấu đáo.
“Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không chỉ là mái nhà chung của những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà cần phải là điểm tựa của tất cả những người yêu nhiếp ảnh trong cả nước có điều kiện phát triển, bừng nở”, Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ban Chấp hành Hội khóa mới cần nêu gương đoàn kết, tập hợp lực lượng, xây dựng và phát triển đội ngũ hội viên có chất lượng từ các chi hội cơ sở đến Trung ương. Phát huy tâm huyết, sức sáng tạo và trách nhiệm của mỗi hội viên góp phần xứng đáng phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó Hội cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp phát triển, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng của các nghệ sĩ theo luật pháp và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tác, sáng tạo.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt và trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, để nhiếp ảnh Việt Nam phát triển, các thế hệ nghệ sĩ tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng tất cả tài năng, trách nhiệm và tâm huyết của mình, và để lại thật nhiều di sản cho nền văn hóa Việt Nam.
Nguồn: chinhphu.vn