Trên thực tế, trong mỗi gia đình người Việt chúng ta đều có những tủ giày, tủ quần áo, tủ rượu,... nhưng lại có một loại tủ vẫn chưa nhiều người để ý: Đó là tủ sách. Vậy vấn đề có phải do tài chính gia đình còn hạn hẹp không? Câu trả lời chắc chắn là không. Cốt lõi của vấn đề nằm ở sự thiếu quan tâm, thiếu đầu tư và thiếu sự ưu tiên cho loại tủ này.
Bên cạnh đó, có không ít gia đình với thu nhập chỉ ở mức trung bình, song họ lại đầu tư tủ sách. Hẳn vì họ luôn biết, sách tuy không cho người ta vật chất tức thời nhưng lại cho đi tri thức, vốn sống tích lũy qua chiều dài lịch sử và nhiều giá trị tâm hồn nâng bước con người...
Xây dựng tủ sách trong gia đình góp phần phát triển văn hóa đọc của quốc gia. (Ảnh: Ictvietnam)
Tạo hóa ban cho con người khả năng biểu đạt ngôn ngữ. Việc đọc sách giúp tư duy ngôn ngữ, từ vựng của chúng ta trở nên hoàn thiện và phong phú hơn. Chưa kể, đọc sách từ nhỏ không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ mà còn giúp các em đánh thức được những năng lực phi thường.
Năng lực phi thường từ cuốn sách nhỏ
Trong mỗi cuốn sách, chúng ta có thể tiếp cận với nhiều câu chuyện, bộ óc vĩ đại, những bậc thiên tài trên thế giới. Câu chuyện của họ mang lại cho chúng ta biết bao điều hữu ích, kinh nghiệm, triết lý. Đó còn là những câu chuyện nhân văn, giàu lòng nhân ái, chạm tới trái tim người đọc. Tất cả những điều đó đã tác động, thay đổi trạng thái tinh thần, quan điểm, nhận thức, để mỗi người tự hoàn thiện và phát triển bản thân.
Âm thầm, lặng lẽ và bình dị nhưng sách có một giá trị vĩ đại. Giá trị của sách là vô cùng lớn. Việc đầu tư cho một tủ sách cũng không làm hao hụt quá nhiều tài chính trong gia đình, bởi chỉ với mức chi phí bình thường, chúng ta đã có thể trang bị ngay một tủ sách với các loại sách dành cho mọi thành viên trong gia đình.
Những con số sinh động về việc đọc sách trên thế giới
Ở các quốc gia phát triển, thói quen đọc sách của người dân đều ở mức đáng nể. Theo tìm hiểu, ở Na Uy, trung bình tủ sách của mỗi gia đình có 212 cuốn; Nga là 154 cuốn; ở Đức, Anh hay Mỹ, mỗi gia đình có tủ sách với số lượng 115-125 cuốn.
Theo số liệu năm 2019 từ Cục Xuất bản, In và Phát hành Hàn Quốc - một quốc gia chỉ có dân số 52 triệu người (trong khi dân số Việt Nam là gần 100 triệu) - nhưng doanh thu ngành xuất bản của Hàn Quốc đạt 52 tỷ USD, trong khi doanh thu của ngành sách trong nước chỉ đạt 2.775 tỷ đồng (tương đương khoảng 120 triệu USD). Bình quân người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn/người/năm (bao gồm cả sách giáo khoa và sách tham khảo).
Con số này đã nói lên sự chênh lệch về tỷ lệ đọc sách của người dân ở hai quốc gia. Bức tranh toàn cảnh văn hóa đọc ở Việt Nam là chỉ số vẫn còn rất thấp về thói quen đọc sách của người Việt với hơn 100 triệu dân và khoảng 26 triệu hộ gia đình…
Tủ sách không chỉ để… làm sang
Sự hiện diện của tủ sách trong mỗi gia đình không tượng trưng cho việc khoe hình thức hay làm sang trọng phông tri thức cho gia chủ mà sẽ đem lại nhiều lợi ích thực tế về việc học, đọc và tự trau dồi kiến thức từ tinh hoa văn hóa nhân loại.
Bạn có thể ít đi một cái áo, một cái quần, hay bớt đi một chai rượu là đã có thể sở hữu một tủ sách tri thức trong ngôi nhà của mình. Đặt một tủ sách trong ngôi nhà là bạn đã góp phần vào việc tăng thêm tài sản trí tuệ trong chính ngôi nhà của mình và đặc biệt là bạn đã góp phần vào sự phát triển dân trí chung của đất nước.
Hơn nữa, sự có mặt của tủ sách trong gia đình còn là cầu nối để cải thiện sự giao tiếp, kết nối giữa các thành viên, mang lại những giờ đọc sách và chia sẻ các câu chuyện trong sách hữu ích.