Diễn ra từ ngày 1-31/10, hoạt động tháng 10/2024 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có chủ đề là “Biển đảo trong lòng đồng bào.”
Mô hình 5 thuyền câu thế nhân trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Quảng Ngãi . (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá, trình diễn văn hóa biển đảo của đồng bào các dân tộc sẽ được giới thiệu đến du khách tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong tháng 10/2024.
Diễn ra từ ngày 1-31/10, hoạt động tháng 10/2024 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có chủ đề là “Biển đảo trong lòng đồng bào.”
Tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa-Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa-Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lễ vật và nghi thức cúng tế thể hiện sắc thái văn hóa riêng của cư dân Lý Sơn. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, gắn liền với lịch sử chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tháng 4/2013 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam”
Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã. Người trình diễn và gia đình họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các hình thức thực hành bằng cách giảng dạy các bài bản, kỹ năng ca hát, kỹ thuật trình diễn và phương pháp làm thẻ bài cho các thế hệ trẻ.
Hội thi Câu lạc bộ Bài chòi dân gian thành phố Tuy Hòa mang nhiều dấu ấn đặc sắc về văn hóa địa phương. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Hầu hết, nghệ nhân đều được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát Bài Chòi trong gia đình, chủ yếu thông qua phương pháp truyền miệng. Thông qua nội dung của những câu hát, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng...
Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Giới thiệu văn hóa, du lịch biển đảo
Trong khuôn khổ các hoạt động về chủ đề “Biển đảo trong lòng đồng bào,” còn có các trưng bày, triển lãm giới thiệu về văn hóa, du lịch Quảng Ngãi; những hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hình ảnh về đất và người Lý Sơn, vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam…; Giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi như bánh, hải sản chế biến, rong biển, hành tỏi Lý Sơn, quế, đồ mỹ nghệ.
Nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa các dân tộc
Ngoài các hoạt động điểm nhấn với chủ đề biển đảo, vào các ngày cuối tuần trong tháng 10, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chương trình dân ca dân vũ đặc sắc với chủ đề “Hoa tháng Mười,” do đồng bào đang hoạt động hàng ngày tại Làng tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên diễn ra hàng ngày tại Làng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên qua các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc với chủ đề ca ngợi quê hương, buôn làng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; qua các hoạt động trải nghiệm như trình diễn cồng chiêng, vòng xoang, đàn Tơ rưng dân gian, đàn K’long pút, đàn Chapi.
Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)
Tại ngôi chùa Khmer, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Lễ Sen Dolta theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ. Đây là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố.
Tổ chức lễ dâng y Kathina - một trong những lễ hội quan trọng và truyền thống của Phật giáo Nam Tông. Sau khi kỳ an cư kết thúc vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, lễ Kathina được tổ chức để cúng dường y phục và các vật phẩm thiết yếu cho các tu sỹ.
Đây là nghi lễ mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tạo phước và duy trì sự đoàn kết giữa các cư sỹ và tu sỹ, thường được tổ chức vào tháng 10 hoặc 11, tùy theo lịch âm dương của từng quốc gia.
Ngoài ra, du khách đến Làng Văn hóa-Du lịch Việt Nam trong tháng 10 sẽ có cơ hội cùng các nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại làng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu như: nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu Đinh năm.
Đồng thời, du khách được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến...; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Tà Ôi, Xơ Đăng, Cơ Tu…; tham gia trải nghiệm các hoạt động như: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/