KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 13/08/2020 - Lượt xem: 119
Những kỷ niệm sâu sắc về Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

"Hội nghị cán bộ toàn quốc triển  khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay kết thúc vào ngày 29-3-2012. Tôi bắt tay ngay vào kế hoạch xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên Báo Nhân Dân" - Nguyên Trưởng ban Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân nhớ lại.

Nghị quyết của Đảng đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của đồng chí trong Đảng, đồng bào trong nước. Những lá thư bày tỏ sự tâm huyết của bạn đọc hằng ngày tới tấp bay về tòa soạn. Kinh nghiệm nghiệp vụ đã dạy tôi rằng, ai viết, viết như thế nào, bài báo mở đầu cho chuyên mục là rất quan trọng. Nó như cánh chim đầu đàn dẫn dắt cả đàn bay theo đến một chân trời mới. Năm 1999 tôi đi viết tin đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Buổi lễ được tổ chức long trọng, có mặt đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị. Lúc đó Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu cảm tưởng. Bài phát biểu do ông trực tiếp viết trên giấy học trò, mở đầu bằng: “Kính thưa Chi bộ”, rồi mới đến thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban ngành. Mọi người chợt hiểu rằng không ai giữ vững nguyên tắc Đảng bằng đồng chí Tổng Bí thư. Bút tích bài phát biểu ấy được đăng cùng với tin.
Đây rồi, không ai khác chính ông sẽ là người viết bài mở đầu chuyên mục trên báo Nhân Dân. Vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục để ông nhận lời viết bài cho báo. Kế hoạch tuyên truyền được phê duyệt, tôi lập tức nối máy trao đổi với đồng chí Trần Xuân Hồng, Thư ký của Nguyên Tổng Bí thư để được sắp xếp lịch. Chỉ 5 phút sau, ở đầu dây bên kia, đồng chí Hồng đã trả lời: “Anh ơi, ông đồng ý tiếp phóng viên Báo Nhân Dân ngay ngày mai. Đây là ý kiến của riêng tôi, không phải ý kiến của Thủ trưởng đâu: Anh chỉ nên làm việc với ông gói gọn trong 2 giờ đồng hồ là cùng. Ông năm nay đã hơn 80 tuổi, cần được nghỉ ngơi”. Tôi vui vì vạn sự khởi đầu nan.
Ngày hôm sau, đúng hẹn tôi đến nhà riêng của ông nằm trong con ngõ 30 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Căn phòng không rộng, những bộ bàn ghế kê sát nhau không phân biệt chủ - khách. Các đồng chí phục vụ ở đây ai cũng gọi đồng chí là ông, xưng con rất đỗi tự nhiên và đầm ấm. Cuộc làm việc diễn ra không phải chỉ gói gọn trong 2 giờ mà kéo dài suốt cả buổi chiều. Ông muốn bộc bạch hết mọi suy nghĩ của mình về những việc cần phải làm để thực hiện Nghị quyết của Đảng trên Báo Nhân Dân.
Cầm trên tay bản Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) đậm đặc những chỗ đánh dấu màu vàng, màu đỏ, màu xanh. Chứng tỏ ông đã nghiền ngẫm trong nhiều ngày. Chăm chú lắng nghe và ghi chép, thú thật là ông còn giúp tôi hiểu biết sâu xa hơn những vấn đề căn cơ, cốt yếu của Nghị quyết.
Ông nói nhẹ nhàng như tâm sự rằng, lần này Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết chỉ nhằm giải quyết “một số vấn đề cấp bách hiện nay”. Đây là vấn đề rất đúng và trúng. Ông dừng lâu phân tích kỹ các nhóm giải pháp trên phương diện lý luận và kinh nghiệm thực tế trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ông nói đại thể: Đảng ta đã bắt đúng mạch - kê đúng đơn - bốc đúng thuốc. Vấn đề còn lại là uống thuốc sao cho đúng đơn đã kê, “thuốc đắng giã tật”.
Tôi đã thấy nắm tay ông giơ lên như vị Tư lệnh trước trận đánh lớn rằng: Tổ chức thực hiện Nghị quyết phải bày binh bố trận như một trận đánh, phải xác định trọng tâm, trọng điểm, tự phê bình và phê bình cũng phải bảo đảm thấu tình đạt lý, vẹn toàn tình nghĩa đồng chí, đồng đội. Sau tự phê bình và phê bình thì tổ chức Đảng ở mọi nơi, mọi cấp mạnh lên, đoàn kết chặt chẽ hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng phải nhiều hơn...
Hai ngày sau tôi lại đến nhà ông để nhận lại bản thảo về cho kịp đăng số báo ngày hôm sau. Ông dẫn tôi vào trong phòng khách để giải thích vì sao ông sửa đổi, bổ sung vào bản thảo bài báo. Vừa bước chân vào phòng làm việc của mình thì chuông điện thoại đã réo vang. Ở đầu dây bên kia, tiếng anh Hồng vang lên: “Anh nói chuyện với ông nhé”. Sau đó là giọng nói của ông: “Cậu thêm cho mình một câu nữa ở dưới bài viết: Tôi hoan nghênh báo Nhân Dân đã mở chuyên mục nhằm thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng”.
Đấy là tấm lòng, sự tận tâm, tận lực của đồng chí Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là tình cảm, sự tin cậy mà ông đã dành cho Báo Nhân Dân. Kỷ niệm ấy, hiện nay lại trở về tâm trí tôi như một cuốn phim tư liệu quý.
Chúng tôi biết ông từng là Chủ nhiệm Chính trị Quân khu IX, Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 719 trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, trực tiếp tham gia chỉ huy Bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt ròng rã 10 năm trời. Vào dịp lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Báo Nhân Dân lại đặt ông viết bài về chiến thắng có ý nghĩa lịch sử đó. Toàn bộ bối cảnh, diễn biến của cuộc chiến với vị Tướng đã trực tiếp ra trận ông vẫn còn nhớ như in. Tất cả chất liệu để dựng nên bài báo “Chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn cao cả”, được ông dựng bằng trí nhớ hiện lên sống động trong trí óc.
Ông nhớ lại, ngày diễn ra Lễ rút bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước có một nhà báo phương Tây hỏi về số quân tử trận và bị thương trong cuộc chiến tranh này là bao nhiêu? Thiếu tướng Lê Khả Phiêu điện về Hà Nội xin ý kiến rồi đĩnh đạc trả lời: Tổng số liệt sĩ và thương binh của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt bằng tổng số liệt sĩ và thương binh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong phòng khách chỉ có ông và tôi, hai bác cháu, giọng ông chùng xuống “Mình không bao giờ quên được hình ảnh những ngày ấy, chiều nào cũng thấy đoàn xe tải chở liệt sĩ, thương binh từ chiến trường trở về nước. Thật là đau xót”. Mối tình đoàn kết hữu nghị gắn kết keo sơn giữa hai nước Việt Nam - Campuchia đã được xây dựng bằng xương máu của nhân dân hai nước. Bỗng dưng, ông trở lại giọng nói sôi nổi của một vị Tướng đã từng góp phần làm nên chiến thắng ấy: Vì sao nhân dân Campuchia gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là đạo quân của nhà Phật? Vì đội quân ấy chiến đấu bằng chủ nghĩa nhân văn cao cả, Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Bác Hồ của chúng ta đã khái quát triết lý sống rằng: Nghĩ cho cùng là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ.
Tôi nghĩ, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã sống trọn vẹn triết lý cao cả ấy.
Còn một kỷ niệm nữa in đậm lên tâm trí tôi. Đó là ngày 23-3-2006, vừa nhận được tin PGS, Viện sĩ Tôn Thất Bách đột ngột qua đời cũng là lúc tôi được gọi lên gặp Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông ngồi đó giọng đượm buồn nói: Cô Nga, vợ Tôn Thất Bách mới điện cho tôi, báo tin chồng mất đột ngột. Nghĩ mà thương và tiếc cậu ấy. Một thầy giáo, thầy thuốc thẳng thắn, trung thực cả trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống thường nhật. Nhất là đức tính thương người, thương bệnh nhân như người anh em ruột thịt của mình. Tôi coi Tôn Thất Bách như người nhà. Cậu ấy thường xuyên qua lại nhà tôi chơi. Tôi cần ở Bách những thông tin chân thật về tình hình sức khỏe, bệnh tật của các tầng lớp nhân dân; hoạt động của ngành y tế, hệ thống các bệnh viện và phương tiện y tế cần được đầu tư, trang bị.
Tôi hiểu ra, khi ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã qua lăng kính của một thầy thuốc để hiểu sâu hơn đời sống và sức khỏe của người dân.
Bài báo: “Tôn Thất Bách, người thầy giáo, thầy thuốc đức độ và tài năng” của ông đã đăng trên báo đúng vào ngày diễn ra Lễ tang anh Tôn Thất Bách. Sau này, qua đồng chí Trần Xuân Hồng, tôi được biết có nhiều người đã gọi điện đến cho Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, bài báo đã thể hiện quan điểm, thái độ trân trọng của Đảng ta đối với đội ngũ trí thức, các nhà khoa học tài năng của đất nước.
Với 89 năm tuổi đời, 70 năm chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần để lại cho đồng chí, đồng bào nỗi niềm thương tiếc lớn lao.
 
Tin liên quan