KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 23/09/2015 - Lượt xem: 182
NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT KHIẾU NẠI VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2012/NĐ-CP

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân năm 2015. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh.

Luật Khiếu nại được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012.

1. Trình tự khiếu nại

Theo quy định của Luật thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án, không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại như trước đây. Việc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án vẫn có thể thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại (Điều 7).

Việc quy định trình tự khiếu nại như trên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn các hình thức giải quyết khiếu kiện của mình, bảo đảm quyền tự sửa chữa của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính khi bị khiếu nại, đồng thời tạo ra cơ chế giải quyết khiếu nại khách quan, dân chủ, kịp thời và hiệu quả hơn.

2.     Hình thức khiếu nại:

Theo Điều 8 Luật Khiếu nại, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về cùng một nội dung thì thực hiện như sau:

Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày về nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản.

Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung theo khoản 2 Điều 8, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

 Để làm rõ khoản 4, Điều 8 Luật Khiếu nại, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về số lượng người đại diện trình bày khiếu nại về một nội dung, văn bản cử người đại diện (Điều 5, 6). Theo đó, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày việc khiếu nại. Trường hợp có từ 5 đến 10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở  lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, nhất là khi việc phối hợp xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung hiện nay còn không ít vướng mắc trong thực tiễn, Nghị định đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại về  một nội dung ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và trách nhiệm phối hợp xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung vượt cấp lên Trung ương (từ Điều 7 đến Điều 11). Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan nơi có người khiếu nại tập trung, Thủ trưởng cơ quan Công an, người phụ trách công tác tiếp công dân hoặc phụ trách Trụ sở tiếp công dân và Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc phối hợp xử lý vụ việc nhiều người khiếu nại. Các cơ quan chức năng này, tùy theo chức năng của mình, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như: tiếp đại diện của những người khiếu nại; đảm bảo an ninh, trật tự công cộng; cung cấp thông tin tài liệu về vụ việc khiếu nại; thụ lý đơn khiếu nại nếu thuộc thẩm quyền hoặc hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; giải quyết khiếu nại; vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

          3. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý

* Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

So với Luật khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại đã quy định bổ sung người khiếu nại có thêm các quyền sau:

- Được uỷ quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc uỷ quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

- Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.

- Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

- Được quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

- Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại (Điều 12).

* Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại

So với Luật khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại đã quy định bổ sung thêm quyền của người bị khiếu nại là được biết, đọc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.

So với Luật khiếu nại, tố cáo thì Luật khiếu nại cũng đã bổ sung người bị khiếu nại có nghĩa vụ tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại; chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

* Quyền, nghĩa vụ của luật sư, Trợ giúp viên pháp lý

Luật sư, trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được uỷ quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy uỷ quyền của người khiếu nại; thực hiện đúng nội dung, phạm vi mà người khiếu nại đã uỷ quyền.

4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Kế thừa quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại tiếp tục quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người có quyết định hành chính, hành vi hành chính; khiếu nại lần hai do Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết (từ Điều 17 đến Điều 26). So với Luật khiếu nại, tố cáo thì Luật khiếu nại đã xác định rõ trách nhiệm giải quyết tranh chấp giải quyết khiếu nại của Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, và Thủ tướng Chính phủ. Luật khiếu nại quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình (Khoản 3 Điều 21); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình (Khoản 4 Điều 23); Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Khoản 3 Điều 26).

5. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai

Luật khiếu nại đã phân định rành mạnh trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu với lần hai, đồng thời bổ sung một số quy định mới nhằm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chẳng hạn,  Luật khiếu nại đã làm rõ và bổ sung các quy định mới về xác minh nội dung khiếu nại (Điều 29).

Việc đối thoại là thủ tục trong quá trình giải quyết khiếu nại: đối với giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại. Đối với giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Như vậy, Luật khiếu nại đã quy định đối với giải quyết khiếu nại lần đầu thì có thể đối thoại, còn đối với giải quyết khiếu nại lần hai thì bắt buộc phải đối thoại.

Luật khiếu nại quy định đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nai. Để đảm bảo tính minh bạch trong giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

Trên cơ sở khoản 3 Điều 41 của Luật Khiếu nại, Điều 12 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm công khai giải quyết khiếu nại, hình thức công khai, thời gian công khai.

6. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, đảm bảo các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, Luật khiếu nại đã bổ sung Mục 4 tại Chương III về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Luật xác định rõ những người có trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật bao gồm: người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 46 Luật khiếu nại quy định cụ thể về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật đối với những người có trách nhiệm thi hành theo 3 nhóm đối tượng là người giải quyết khiếu nại; người khiếu nại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trên cơ sở quy định của Luật khiếu nại, Chương IV của Nghị định số 75/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể có liên quan trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật (từ Điều 13 đến Điều 19).

          Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật (Điều 20).

7. Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức là một loại khiếu nại, giải quyết khiếu nại đặc thù liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, công chức cho nên cần có cơ chế giải quyết riêng trong Luật khiếu nại. Hơn nữa, Luật cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với loại việc này, vì thế cần phải quy định trong Luật khiếu nại.

Luật khiếu nại đã tiếp tục quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, tuy nhiên, do đặc thù của nền hành chính, đòi hỏi việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải theo một trình tự, thủ tục phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý cán bộ, công chức. Vì vậy, Luật khiếu nại quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. Trường hợp còn khiếu nại tiếp thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, quy định Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

So với Luật khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại đã quy định mới về xác minh nội dung khiếu nại đối với quyết định kỷ luật. Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm trực tiếp hoặc phân công người có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại, xem xét nội dung khiếu nại. Nếu xét thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp nội dung khiếu nại chưa được xác định rõ thì tự mình hoặc giao người có trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Sau khi có kết quả xác minh nội dung khiếu nại thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Về tổ chức đối thoại, Luật khiếu nại quy định đối với giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại đều phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại.

Luật cũng quy định về hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật. Điều 57 quy định quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật gồm quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành.

Tin liên quan