Nghĩa của từ dịch thì có lẽ không có gì đáng bàn, nhưng ổ, vùng và cụm thì sao? Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2006), ổ, vùng và cụm là những từ đa nghĩa, ngoài những nghĩa khác, các từ có một nghĩa tương ứng với ngữ cảnh này là:
Ổ (danh từ) là nơi tập trung chứa đựng nguồn gốc bệnh tật. Ví dụ: Ổ vi trùng, dập tắt nhiều ổ dịch bệnh.
Cụm (danh từ) là tập hợp gồm một số đơn vị cùng loại ở gần nhau cùng một nơi, làm thành một đơn vị lớn hơn. Ví dụ: Cụm pháo hoa, cụm dân cư.
Vùng (danh từ) là phần đất đai hoặc không gian tương đối rộng, có những đặc điểm nhất định về tự nhiên hoặc xã hội, phân biệt với các phần khác ở xung quanh. Ví dụ: Vùng đồng bằng, vùng mỏ, vùng chuyên canh lúa, vùng đất hiếu học.
Chưa có văn bản chính thức nào xác định khái niệm vùng dịch, cụm dịch.
Theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020 về “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19” do Bộ Y tế ban hành, “ổ dịch” COVID-19 là một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) ghi nhận từ 1 ca bệnh xác định trở lên”.
Trên các trang báo, ổ dịch được dùng để chỉ các đơn vị khác nhau như sau:
Thứ nhất, là đơn vị cơ sở (công ty, sân bay, bệnh viện, xã...), tương ứng khái niệm của Bộ Y tế trên. Ví dụ: “ổ dịch Công ty Poyun”, “ổ dịch ở sân bay Vân Đồn”, “Bệnh viện Bạch Mai có thể trở thành ổ dịch giống bệnh viện ở Daegu”, “ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành”, “Bắc Ninh tập trung quyết liệt dập các ổ dịch”, “Thành phố Hồ Chí Minh đang có 6 ổ dịch liên quan đến nhóm truyền giáo và 6 ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng”,...
Thứ hai, là đơn vị cấp huyện. Ví dụ: “Hải Dương có 6 ổ dịch gồm: Chí Linh, Kinh Môn, thành phố Hải Dương, Cẩm Giàng, Nam Sách và Kim Thành”; “ổ dịch Cẩm Giàng - Hải Dương”; “Cẩm Giàng là ổ dịch lớn, phức tạp tại Hải Dương”,...
Thứ ba, là đơn vị cấp tỉnh. Ví dụ: “Ca nhiễm mới ở Hải Phòng từng về ổ dịch Hải Dương”, “ổ dịch Bắc Giang thêm phức tạp”, “ca bệnh liên quan đến ổ dịch Bắc Ninh”,...
Những địa điểm được gọi là ổ dịch là đơn vị cơ sở và đơn vị cấp huyện trên đều là những nơi đã từng bị phong tỏa và phù hợp với nghĩa gốc của từ ổ (Nơi tập trung chứa đựng nguồn gốc bệnh tật). Tuy nhiên, các đơn vị cấp tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh chưa bao giờ có lệnh phong tỏa, mà chỉ dừng ở mức thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng ổ dịch cho các đơn vị này là không chính xác.
Về khái niệm vùng dịch, những tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh,... trong trường hợp trên có thể gọi là “vùng dịch”, tức là “vùng có ổ dịch”. Theo nghĩa này, trên báo chí đã có những cách sử dụng từ “vùng dịch” đúng. Ví dụ: “Trường hợp phát hiện xe chở người từ vùng dịch (đặc biệt từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) về Thanh Hóa”; “UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ra văn bản hỏa tốc khuyến cáo người dân đang ở vùng dịch không nên quay trở về địa phương”.
Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vùng dịch còn được hiểu “là nơi được yêu cầu thực hiện phong tỏa, cách ly trong 28 ngày ngăn dịch lây lan rộng”. Theo cách hiểu này, “vùng dịch” được hiểu là “Thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và xã, thôn cụ thể chứ không phải toàn tỉnh. Không thể coi cả tỉnh Hải Dương là vùng dịch (theo moh.gov.vn). Như vậy, phạm vi vùng dịch trùng với phạm vi ổ dịch. Xét về nghĩa gốc của từ vùng: “Phần đất đai hoặc không gian tương đối rộng, có những đặc điểm nhất định về tự nhiên hoặc xã hội, phân biệt với các phần khác ở xung quanh”, thì cách hiểu vùng dịch như trên là chưa chính xác.
Ngoài ổ dịch, vùng dịch, còn xuất hiện cụm dịch, được sử dụng tương đương với ổ dịch: “Cụm dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, “Cũng trong sáng hôm nay, CDC Hà Nội thông báo ghi nhận thêm 2 ca dương tính COVID-19 liên quan đến cụm dịch tại Bệnh viện K”, “34 bệnh nhân khác ở cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất”,... Có lẽ không nên sử dụng thêm từ ngữ nào để thay thế cho ổ dịch để chỉ cùng một nội hàm khái niệm.
Tuy nhiên, cụm dịch lại được sử dụng theo nghĩa “gồm nhiều ổ dịch và vùng dịch” trong mô hình dưới đây: Cụm đã kiểm soát gồm có: Bắc Ninh, Bệnh viện nhiệt đới Đông Anh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Chuyến bay VN160, Park 10 Times City; Cụm cũ (vẫn phát sinh bệnh nhân): Bệnh viện K, Bệnh nhân 3633, 3634; Cụm mới: Công ty T&T, Park 11, Times City; Park 9 Times City, Bác sĩ Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh nhân 5321 (Gia Lâm).
Từ cụm với nghĩa “Tập hợp gồm một số đơn vị cùng loại ở gần nhau cùng một nơi, làm thành một đơn vị lớn hơn”. Nhưng, việc sử dụng từ cụm ở đây cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, các ổ dịch và vùng dịch này không ở gần nhau, mà chỉ chung nhau đặc điểm “đã kiểm soát”, “vẫn phát sinh bệnh nhân” hay “mới” xuất hiện.
Do đó, có thể gọi là đợt dịch. Đợt là danh từ, dùng để chỉ từng đơn vị hiện tượng hoặc sự việc diễn ra thành những lượt kế tiếp nhau một cách ít nhiều đều đặn, nhóm theo tiêu chí thời gian chứ không phải theo tiêu chí không gian (Giữa hai đợt gió mùa, đợt nghĩa vụ quân sự).
Nguồn: http://tuyengiao.vn