Hành trình đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia
Như đã đề cập trong bài đầu tiên "Ẩm thực Việt lọt 'mắt xanh' của người sành ăn khắp thế giới," quảng bá những nét ẩm thực đặc trưng cũng chính là một cách thu hút du khách quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đang nỗ lực thực hiện đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024."
Hiệp hội coi đây là việc làm thiết thực nhất nhằm góp phần đưa nền văn hóa ẩm thực nước nhà phát triển bền vững, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới bằng ẩm thực.
Thu thập, xây dựng dữ liệu ẩm thực Việt
Theo Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024" sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong ba lĩnh vực chính.
Đầu tiên là khoa học dinh dưỡng, với đối tượng là người dân, người tiêu dùng, người sử dụng các món ẩm thực. Đề án góp phần cung cấp nền tảng thông tin thực tế về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến kết hợp các nguyên vật liệu và gia vị của những món ăn đặc sắc các vùng miền, qua đó phát huy những giá trị dinh dưỡng của các món ẩm thực, phổ biến cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp kinh doanh, trao truyền lại cho thế hệ sau.
Thứ hai là
kinh tế ẩm thực với lợi ích cho doanh nghiệp, địa phương, nhà sản xuất trong ngành cung cấp nguyên liệu, thực phẩm, chế biến ẩm thực, phát triển du lịch của địa phương, qua đó tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, chuỗi cung ứng nguyên liệu trong ngành ẩm thực theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị văn hóa góp phần đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm ẩm thực.
Từ cơ sở dữ liệu thu thập nghiên cứu được, Hiệp hội văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ sàng lọc bộ ẩm thực có khả năng đóng gói thành mô hình khởi nghiệp ẩm thực cho các hội viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận mô hình khởi nghiệp.
Tiếp theo là văn hóa ẩm thực, hướng đến tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sắc theo vùng miền của Việt Nam đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, góp phần quảng bá du lịch qua văn hóa ẩm thực vùng miền.
Các tiêu chí cốt lõi là mang tính văn hóa di sản vùng miền, ngon, lành, đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng phát triển văn hóa ẩm thực đến với du khách trong, ngoài nước.
Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024" gồm 3 giai đoạn. Năm 2022 là thời gian thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc.
Tiếp theo, trong năm 2023, Hiệp hội tiếp tục thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp hội chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp, tạo tiền đề đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới.
Đồng thời, Hiệp hội sẽ tận dụng giá trị của đề án để xây dựng thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch.
Bước sang năm 2024, Hiệp hội sẽ tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành
Bản đồ ẩm thực Việt Nam, hướng đến xây dựng
Bảo tàng Ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thưc tế, phục vụ cho du khách tham quan trong tương lai, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia...
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã nhận định du lịch ẩm thực là một lợi thế riêng có của mỗi quốc gia, yếu tố chiến lược, động lực quan trọng để phát triển du lịch. Việc kết hợp ẩm thực và du lịch sẽ tạo cơ hội lớn cho việc phát triển và quảng bá du lịch.
Ngày nay, du lịch ẩm thực đã trở thành một loại hình được phổ biến toàn cầu cùng với các loại hình du lịch khác. Nhiều quốc gia đã thực hiện sáng kiến quảng bá và tiếp thị ẩm thực nước mình trên toàn thế giới.
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và đại biểu tìm hiểu về văn hóa ẩm thực qua phong phú món ăn vùng, miền. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Tại Việt Nam,
văn hóa ẩm thực là một trong những đặc trưng sinh động và phong phú nhất, kết tinh thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Sự đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam thể hiện trong việc sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, sự tinh tế, cầu kỳ khi dùng gia vị, giữa truyền thống và hiện đại, phong cách, triết lý phương Đông và phương Tây trong chế biến, trang trí, sắp đặt và thưởng thức món ăn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, nêu rõ trong các giá trị văn hóa thì ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất. Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã có thể biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Ẩm thực có thể kích thích mong muốn của họ để đến với đất nước ta. Ẩm thực cũng giúp mọi người hiểu hơn về Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.
Ông cũng tin tưởng rằng một khi văn hóa ẩm thực sự trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tìm kiếm món ăn đặc sắc nhất
Tìm kiếm 100 món ẩm thực đặc sắc nhất là một hoạt động quan trọng trong đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024" với mục tiêu lập nên một bản đồ ẩm thực những món ăn đặc trưng từ mọi miền của Tổ quốc.
Hành trình này nhận được sự hưởng ứng và đề cử các món ăn tiêu biểu từ Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, Các Hiệp hội Văn hóa ẩm thực, Trung tâm xúc tiến du lịch trên khắp cả nước.
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã nhận được cơ sở dữ liệu của 421. Tất cả các đề cử này đã được sàng lọc theo miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia về ẩm thực, văn hóa các vùng miền.
Hội đồng chọn 165 món qua vòng sơ khảo rồi tiếp tục bàn luận, trao đổi, thống nhất đưa ra 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam cho năm 2022, trong đó có 47 món ăn miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam.
Trong danh sách được chọn có nhiều món ăn rất nổi tiếng. Có thể kể đến món phở, bún ốc nguội, cốm làng Vòng, bún thang của Hà Nội; bánh đa cua, chà chìa Hải Phòng; bánh cuốn Hải Dương. Tỉnh Thừa Thiên-Huế có món bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, vả trộn hoa màu chay.
Tỉnh Ninh Thuận có món nước xương rồng Phan Rang; Bình Thuận có mực một nắng; tỉnh Kon Tum có lẩu gà lá sâm, còn tỉnh Gia Lai có đại diện là phở khô Gia Lai (phở 2 tô). Kiên Giang có gỏi cá trích Phú Quốc, canh hải sản nấm tràm Phú Quốc; tỉnh Long An được chọn món lạp xưởng tươi truyền thống Cần Đước. Thành phố Hồ Chí Minh có đại diện là cơm tấm, bánh mỳ, món cuốn Sài Gòn...
Các món được đề cử bám sát nhiều tiêu chí được hội đồng đặt ra. Đầu tiên, cơ sở đề xuất món ẩm thực chính danh, do các nhà khoa học, nghệ nhân hoặc những vùng dân cư nơi sản sinh ra món ẩm thực đó, có thể là cá nhân, tập thể, cộng đồng, đại diện là địa phương nơi xuất xứ các món ẩm thực đề cử.
Phở được coi là 'đại sứ ẩm thực.' (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tiếp theo là tiêu chí về lịch sử, văn hóa, xuất xứ của món ẩm thực. Các món ẩm thực phải được ưu tiên chế biến với nguyên liệu đặc trưng và có giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương; cách chế biến phù hợp với vùng miền, của địa phương.
Thứ ba là tiêu chí về chuỗi giá trị của món ẩm thực ở từng giai đoạn (nuôi trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, nấu nướng, bàn ăn và phục vụ), đồng thời đáp ứng những yêu cầu về khoa học, dinh dưỡng, an toàn, phương diện kinh tế, phương diện chất lượng.
Tiêu chí quan trọng là sự lan tỏa, phổ biến của các món ẩm thực như khả năng công nghiệp hóa, tính lan tỏa của món ăn trong cộng đồng dân cư, xã hội, khả năng hội nhập quốc tế, phát triển mạng lưới ẩm thực Việt Nam trên thế giới...
Thành viên Hội đồng cố vấn, nghệ nhân văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cho biết khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng thì con người lại càng quan tâm đến vấn đề “ăn xanh, uống sạch” vì sức khỏe.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp và được đánh giá là có một “tủ thuốc tự nhiên” với các loại rau củ, rau gia vị đa dạng khắp các vùng miền. Do đó, bên cạnh dòng ẩm thực đa dạng, bà mong muốn có chủ trương khám phá sâu về giá trị truyền thống dòng ẩm thực xanh để quảng bá rộng trong cộng đồng, góp phần phát triển nguồn lực nông nghiệp tươi sống, xanh, sạch, giàu dưỡng chất... Điều này sẽ giúp Việt Nam có một bản đồ ẩm thực hội đủ chất và lượng để làm nên thương hiệu ẩm thực của quốc gia.
Có thể nói, du lịch ẩm thực là một trong những sản phẩm điển hình, mang tính khác biệt, phản ánh bản sắc văn hóa của quốc gia, của cộng đồng địa phương, tạo ấn tượng và sự hấp dẫn lớn đối với du khách. Do đó, làm tốt việc xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng./.