KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 11/10/2019 - Lượt xem: 152
Quá trình thành lập Ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Hưng Yên

Trong suốt 89 năm xây dựng, với các tên gọi khác nhau, từ Ban Cổ động và Tuyên truyền (tháng 8-1930), Bộ Tuyên truyền, Bộ Tổ chức và Bộ Công nhân vận động (tháng 10-1930), Bộ Tuyên truyền cổ động Việt Minh (năm 1944), Ban Tuyên huấn Trung ương (tháng 4-1951), Ban Tuyên giáo Trung ương (tháng 12-1959), Ban Tuyên huấn Trung ương (tháng 1-1968), Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (tháng 4-1989) và từ tháng 4-2007 đến nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác Tuyên giáo đã không ngừng phát triển, từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực công tác trọng yếu của Đảng. Trong suốt chặng đường dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi thắng lợi của cách mạng nước ta đều có phần đóng góp tích cực của công tác Tuyên giáo.

Ngày 01-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01-8”, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên Bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Từ đó, ngày 01-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác Tuyên giáo của Đảng.
Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 01-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Ở Hưng Yên, ngay sau khi chính quyền lâm thời của tỉnh được thành lập (ngày 23-8-1945) dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Thường vụ Xứ ủy, Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, một lòng ủng hộ cách mạng, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Tháng 8-1947, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được thành lập. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn lúc này là: Nghiên cứu chương trình học tập, huấn luyện cho các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện và ban chi ủy các xã, chi bộ; tuyên truyền thời sự và các thông tin khác.
Từ tháng 10-1949, các bộ phận tuyên truyền, ấn loát, văn thư tập trung lại làm một, được gọi là Ban Tuyên truyền. Bộ phận huấn luyện là một ban riêng, gọi là Ban Huấn luyện, nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện các chương trình và mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ các cấp là chính.
Năm 1950, Ban Huấn luyện và Ban Tuyên truyền được sáp nhập thành Ban Tuyên truyền.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Tuyên truyền tập trung cao độ vào công tác “Chỉnh Đảng, chỉnh cán” nhằm tuyên truyền, giáo dục những đảng viên trước đó đã chạy dài, nằm im hay tự bỏ nhiệm vụ; tăng cường huấn luyện lập trường tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền tập trung vào việc gây dựng cơ sở, làm cho quần chúng tin tưởng vào cách mạng, giữ vững niềm tin với Đảng và Chính phủ, đập tan những âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của kẻ thù, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến.
Đầu năm 1955, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy được đổi thành Ty Tuyên truyền, gồm hai bộ phận: Bộ phận tuyên truyền chính sách và bộ phận bồi dưỡng đào tạo. Hoạt động của Ty tuyên truyền thời gian này có nhiều tiến bộ, các hoạt động có nền nếp hơn. Bộ phận tuyên truyền chính sách được giữ nguyên, bộ phận bồi dưỡng đào tạo được gọi là bộ phận huấn luyện.
Năm 1959, Ty tuyên truyền được đổi tên thành Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, gồm ba bộ phận: Bộ phận tuyên truyền, Bộ phận huấn luyện và Văn phòng ban.
Tháng 4-1963, thực hiện Thông tri số 91-TTr/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Hưng Yên có Nghị quyết thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ.
Đầu năm 1967, Trung ương Đảng có Chỉ thị cho các ban tuyên huấn tỉnh, thành uỷ đổi tên từ Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ lúc này gồm có Bộ phận tuyên truyền chính sách; Bộ phận huấn luyện; Bộ phận theo dõi khoa học, giáo dục (sau này gọi là Khoa giáo); Bộ phận văn phòng.
Thực hiện Nghị quyết 504-NQ/TVQH ngày 26-01-1968 của Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng.
Ngày 12- 6-1973, Ban Khoa giáo Tỉnh ủy Hải Hưng được thành lập.
Ngày 30-12-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ra Quyết định số 44-QĐ/TU về việc sáp nhập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ban Khoa giáo Tỉnh ủy, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy lấy tên là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ngày 06-11-1996, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ X đã phê chuẩn về việc chia tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Sau gần 29 năm hợp nhất, ngày 1-1-1997, cùng với sự kiện tái lập tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên được tái lập.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Tuyên giáo Hưng Yên luôn quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập thể cán bộ trong ngành luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, về công tác chuyên môn, cán bộ ngành Tuyên giáo Hưng Yên không dao động, xa rời mục tiêu lý tưởng và con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.
Hiện nay, đất nước ta đang trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, cán bộ ngành Tuyên giáo Hưng Yên phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có sự hội tụ giữa cái “tâm” say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc và cái “tầm” của tri thức khoa học; cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, luôn bám sát thực tiễn và nâng cao chất lượng chuyên môn để tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.
Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng
Tin liên quan